Theo đó, sẽ giảm mạnh từ 22 xuống còn 9 bộ và các cơ quan ngang bộ trực thuộc chính phủ nhằm cắt giảm chi tiêu, hướng tới việc cân bằng ngân sách trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn kinh tế nghiêm trọng do những biến động liên tục của thị trường tài chính tiền tệ trong thời gian vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trên truyền hình, ông Macri cho biết đã tiến hành một cuộc họp nội các để đánh giá tình hình và thảo luận về các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế những rủi ro có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế không thể kiểm soát.
Theo quyết định điều chỉnh cơ cấu nội các, các bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học sẽ được sáp nhập thành một cơ quan duy nhất; Bộ Y tế và Bộ An sinh Xã hội được gộp lại thành một bộ hoặc trở thành một cơ quan trực thuộc Bộ Phát triển Xã hội; Bộ Năng lượng sẽ sáp nhập với Bộ Kinh tế; các bộ Hiện đại hóa, Nông nghiệp và Lao động sẽ trực thuộc Bộ Sản xuất, trong khi Bộ Môi trường và Bộ Du lịch sẽ chuyển sang trực thuộc cơ quan thường trực Nội các.
Ngoài ra, Tổng thống Macri cũng tuyên bố sẽ tạm thời tăng thuế xuất khẩu để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Theo ông Macri, dù đây là một bước đi không mong muốn nhưng do tình huống khẩn cấp nên chính phủ buộc phải yêu cầu những đối tượng có khả năng hơn tham gia đóng góp cho đất nước. Nhà lãnh đạo Argentina khẳng định những biện pháp cấp thiết này sẽ phát đi một tín hiệu cho thị trường thấy rằng chính phủ quyết tâm kiểm soát chi tiêu để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách và lạm phát.
Argentina đang phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi thị trường tài chính tiền tệ liên tục lao dốc, lạm phát gia tăng liên tục. Chính phủ Argentina đã phải liên tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 40%, 45% và mới đây nhất là 60%, bán ra thị trường hàng tỷ USD từ quỹ ngoại hối nhằm ổn định tình hình.
Ngoài ra, Chính phủ Argentina cũng đã đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để vay một khoản tín dụng dự phòng trị giá 50 tỷ USD và hiện đang đàm phán để IMF đẩy nhanh tiến độ giải ngân với cam kết sẽ tiếp tục thực thi các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, điều chỉnh chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách phù hợp với điều kiện của tổ chức tài chính này.