Giới chức của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra "bão tố" trên thị trường tài chính hoặc tỉnh trạng hoảng loạn trong công chúng, trong trường hợp các đảng phái cánh tả phản đối các điều kiện thắt lưng buộc bụng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra tại Hy Lạp vào cuối tuần này, việc có thể quyết định vận mệnh của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Quan chức từ Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) cho biết, các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng triển khai những biện pháp để bình ổn thị trường tài chính nếu cần thiết, bằng cách bơm thanh khoản và ngăn chặn tình trạng đổ vỡ tín dụng có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tại Hy Lạp vào ngày 17/6 tới. Phát ngôn viên Thủ tướng Canađa, Andrew MacDougall nói, quốc gia này sẵn sàng hành động nếu những diễn biến tại Hy Lạp xấu đi và tạo ra các cú sốc tài chính đối với thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Anh thì thông báo nước này sẽ bơm khoảng 100 tỷ bảng (155 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để tăng cường khả năng tín dụng, nếu khủng hoảng tại Eurozone phủ "bóng đen" lên nền kinh tế nước này. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mervyn King cho biết Chính phủ Anh sẽ triển khai kế hoạch cung cấp vốn dài hạn với lãi suất thấp cho các ngân hàng để khuyến khích hoạt động vay mượn của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, chính phủ nước này sẽ cung cấp khoảng 80 tỷ bảng bằng những khoản vay mới, còn BoE, với kế hoạch riêng, sẽ bơm mỗi tháng 5 tỷ bảng trong vòng 6 tháng nhằm tăng cường tính thanh khoản cho các ngân hàng. Song song với tuyên bố bơm thêm tiền vào nền kinh tế, Chính phủ Anh cũng triển khai kế hoạch cải tổ khu vực ngân hàng nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn "bóng ma" khủng hoảng tài chính quay lại. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ tiêu tốn khoảng 7 tỷ bảng (10,9 tỷ USD) của ngành ngân hàng mỗi năm.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng ông muốn Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone thay vì rời bỏ khu vực này và quay trở lại với đồng drachma. Tuy nhiên, ông Hollande cũng cảnh báo rằng nếu Hy Lạp không muốn giữ những cam kết trước đó của mình với khu vực và xóa bỏ mọi triển vọng phục hồi, thì sẽ những thành viên khác trong Eurozone ủng hộ việc đẩy Hy Lạp ra khỏi nhóm.
Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, chiếm 0,4% kinh tế của toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu qua ba kênh lòng tin, tài chính và thương mại, từ đó có thể sẽ dẫn đến một "đợt sóng thần" tài chính - kinh tế toàn cầu như năm 2008 và đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Các nước châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch phản ứng nếu xảy ra tình trạng rối loạn trên thị trường khi hiện tượng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục diễn ra sau ngày bầu cử 17/6. Nếu đảng cảnh tả Syriza, về thứ 2 trong cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp hôm 6/5 vừa qua và chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại, rất có thể Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia nợ nần chồng chất này. Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới.
Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến ngay trong chiều 17/6, khi cuộc bầu cử lại tại Hy Lạp kết thúc, để thảo luận về những diễn biến mới nhất và phương án hành động tiếp theo.
Tùy thuộc vào tình hình diễn biến tại Hy Lạp sắp tới, mà một cuộc họp khẩn cấp giữa bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) sẽ được tổ chức vào ngày 18 hoặc 19/6 tới, trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mêhicô. Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Mêhicô sẽ bàn về tình hình kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề, từ phát triển, thương mại, việc làm tới các cách thức củng cố hệ thống tài chính quốc tế. Tại hội nghị G20 lần này, Đức kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ nhất trí về một kế hoạch hành động nhằm củng cố kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn, nhưng trong đó không bao gồm các biện pháp kích thích mới.
Việt Khoa (Theo Reuters)