Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, hiện giá cá tra nguyên liệu loại 1 tại các điểm thu mua ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg, loại 2-3 dao động từ 24.000 - 26.000 đồng/kg... cao hơn 4.000 – 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2017. Đây là mức giá "trong mơ" của rất nhiều người nuôi cá tra.
"Giá xuất khẩu cá tra bán ra tại thị trường châu Á trong tháng 4 dao động ở mức 3 – 3,2 USD/kg, tăng hơn 30% so với đầu năm 2016. Đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất và có thể tiếp tục cho đến hết năm 2017", ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho hay.
Cùng với những diễn biến bất lợi về thời tiết, nhu cầu nuôi gia tăng đột biến đã đẩy giá cá giống tăng cao. Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2017, giá cá tra giống (size 30 con/kg) dao động từ 36.000 – 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 – 13.000 đồng/kg so cuối năm 2016. Với giá cá tra giống tăng cao do hút hàng, người ươn cá giống thu lãi lớn, nhưng nhiều nơi người nuôi vẫn phải chờ đợi khoảng 1 tháng nữa mới nhận được cá giống.
Giá cá tra tăng cao đang kích thích người nuôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng. |
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng thu hoạch cá tra của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 335.300 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng tăng nhưng sản lượng thu hoạch ở những tỉnh có sản lượng nuôi lớn lại có sự sụt giảm như: An Giang giảm 6%, Đồng Tháp giảm 5,4%... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung.
"Mặc dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người nuôi không nên ồ ạt thả nuôi vì rất dễ xảy ra tình trạng cá quá lứa nằm chờ thương lái.
Do giá thấp, người nuôi bỏ ao nhiều, nguồn cá nguyên liệu năm nay đã giảm 40-50% so với năm 2016. Các nhà máy không có nguyên liệu để thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài đã đẩy giá lên cao, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng giành giật nhau mua. Thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, chưa mang tính bền vững và giá cao chỉ mang tính nhất thời như phân tích trên.
Điều quan trọng nhất lúc này là ngành chức năng cần có kế hoạch nuôi trồng, xuất khẩu cá tra một cách bài bản, cũng như có các biện pháp can thiệp kịp thời đảm bảo việc nuôi trồng theo kế hoạch cụ thể, từng bước hạn chế việc nuôi trồng tự phát", ông Hoè cho hay.