Cụ thể, trong phiên giao dịch chiều 25/4, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 65 cent lên 75,42 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2018. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 20 cent lên 66,09 USD/thùng, mức cao nhất trong 6 tháng qua.
Các nhà giao dịch năng lượng cho hay dầu Brent nhận được sự hậu thuẫn trong phiên này sau khi Ba Lan và Đức tạm ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba do vấn đề chất lượng. Các nguồn tin thương mại cho biết Cộng hòa Séc cũng có quyết định tương tự. Ngoài ra, việc Mỹ quyết định chấm dứt cơ chế miễn trừ trừng phạt cho một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ tháng 5 tới cũng góp phần đẩy giá dầu tăng cao.
Quyết định của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng kể từ đầu năm nay để kéo giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, chuyên gia Brain Hook (Brên Húc), đặc phái viên Mỹ về Iran đồng thời là cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết vẫn đủ nguồn cung trên thị trường để vận chuyển và duy trì sự ổn định của giá dầu.
Công ty tư vấn Rystad Energy nhận định Saudi Arabia và các đồng minh có thể thay thế sự sụt giảm nguồn cung từ Iran. Kể từ tháng 10/2018, Saudi Arabia, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iraq đã cắt giảm 1,3 triệu thùng dầu/ngày và con số này thừa để bù đắp cho nguồn cung sụt giảm.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn không ngừng gia tăng trong thời gian qua, tăng hơn 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2018, lên mức cao kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Do sản lượng trong nước tăng, dự trữ dầu thương mại Mỹ hồi tuần trước đã vọt lên 460,63 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.