Giá dầu mỏ có xu hướng giảm

Suốt tuần qua xu hướng đi xuống đã gần như chiếm trọn các sàn giao dịch dầu mỏ thế giới do gia tăng tâm lý hoài nghi về khả năng châu Âu giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.

Theo giới phân tích, việc Công ty môi giới các hợp đồng tương lai MF Global của Mỹ trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) càng chồng chất nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone. Chính tâm lý đó đã làm mất đi kỳ vọng vào thỏa thuận giải quyết nợ nần mà châu Âu phải hết sức chật vật mới đạt được, khiến giá dầu không thể đổi hướng đi lên cho tới giữa tuần. Giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc dừng ở mức 92,51 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc đứng ở mức 109,34 USD/thùng.

Động thái của Thủ tướng Papandreou được coi là một “canh bạc” chính trị nhằm xoa dịu sự phản đối ngày càng gia tăng đối với các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, khiến giới kinh doanh thêm lo ngại Aten có thể rơi vào cảnh vỡ nợ, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu và kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn thế giới. Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Hy Lạp đã làm các nhà lãnh đạo châu Âu giận dữ khi kinh tế toàn cầu một lần nữa lại phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Trong khi đó, các số liệu kinh tế yếu kém của Anh, Trung Quốc và Mỹ, cũng như báo cáo cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế số 1 thế giới đang trên đà suy giảm trong tháng 10/2011 càng góp sức kéo thị trường ngày càng tuột dốc. Báo cáo mới đây cho hay hoạt động chế tạo tại Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đang tăng trưởng với tốc độ chậm lại trong tháng 10/2011.

Không chỉ bị sức ép từ quyết định gây sốc của Hy Lạp, thị trường dầu thô còn phải chống chọi với một loạt nhân tố dai dẳng như đồng USD mạnh hơn, đồng tiền chung châu Âu yếu đi, tâm lý hoài nghi về khả năng thực thi thỏa thuận cứu trợ của EU dành cho Hy Lạp. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà giao dịch đang giữ trong tay các đồng tiền khác và làm giảm nhu cầu đầu tư.

Nhưng chính động thái cắt giảm lãi suất đầy bất ngờ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) là tác nhân chính khiến thị trường dầu mỏ đảo chiều tăng giá vào phiên 3/11. Hỗ trợ cho thị trường còn có tuyên bố của Thủ tướng Hy Lạp Papandreou rằng ông sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi, nếu nhận được sự ủng hộ của các đảng đối lập về gói giải cứu của EU. Nhờ đó chốt phiên này giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc tăng 1,56 USD lên 94,07 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc 1,49 USD lên 110,83 USD/thùng.

Thị trường dầu mỏ vẫn giữ được đà tăng nhẹ về cuối tuần sau khi đón nhận báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 đã hạ xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua (9%), cho dù số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được như kỳ vọng (80.000 việc làm so với dự báo 95.000 việc làm). Hỗ trợ cho "'vàng đen" đi lên vào cuối tuần còn là thông tin Chính phủ của Thủ tướng Papandreou vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tránh cho Hy Lạp phải tiến hành bầu cử trước thời hạn, động thái có thể cản trở thỏa thuận cứu trợ của EU và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.

Chốt phiên 4/11 giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 12/2011 tăng 19 xu lên 94,26 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc tại Luân Đôn giao cùng hạn tăng mạnh hơn với 1,17 USD lên 111,97 USD/thùng.

Chuyên gia Victor Shum từ Công ty tư vấn năng lượng Purvin & Gertz cảnh báo thị trường dầu mỏ có thể trải qua một đợt giảm sâu hơn khi các mức giá hiện tại đã không còn phù hợp với triển vọng kinh tế tại Mỹ và châu Âu nữa. Theo ông, "mức giá khoảng 94 USD/thùng đối với giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc và trên 110 USD/thùng đối với giá dầu Brent Biển Bắc dường như quá cao so với thực trạng kinh tế đang tiềm ẩn nhiều bất ổn tại cả châu Âu và Mỹ.

Hoàng Hà (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN