Ngày 11/6, giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, do tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 đã giảm 1,40 USD, xuống còn 82,70 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu giảm xuống dưới 83 USD/thùng kể từ tháng 10 năm ngoái. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng cũng giảm 1,47 USD, xuống còn 98,00 USD/thùng.
Giá dầu thô trước đó đã có dấu hiệu phục hồi sau thông tin các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí bơm tới 100 tỉ Euro (125 tỉ USD) để vực dậy các ngân hàng yếu kém của Tây Ban Nha.
Giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, tâm lý lo ngại rằng Italia có thể sẽ theo bước Tây Ban Nha, phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ tài chính, khiến giá dầu thô giảm xuống. Tây Ban Nha là nước thứ tư trong Eurozone, sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen, xin cứu trợ kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công. Nếu Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU, cũng tham gia đội ngũ này, các nhà đầu tư lo ngại rằng EU có thể không có đủ tài chính để hỗ trợ và nền kinh tế châu Âu sẽ bị đe dọa.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại về sự suy giảm kinh tế Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới.
Các số liệu của Trung Quốc công bố cùng ngày cho thấy nhập khẩu của nước này tăng mạnh bất chấp tăng trưởng giảm sút. Trong tháng 5, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm nhiều hơn so với dự đoán, trong khi nhập khẩu dầu thô lại tăng gần 6 triệu thùng/ngày, tăng hơn 10% so với tháng 4.
Sức ép tiếp tục tăng sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Ali Al-naimi cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể phải tăng chỉ tiêu sản lượng tại hội nghị sắp tới của tổ chức này, dự kiến tổ chức ở Viên (Áo) vào ngày 14/6 tới.
TTXVN/ Tin Tức