Bước sang phiên chiều 2/4, giá dầu tại thị trường châu Á quay đầu giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư đang dò tìm định hướng mới, nhưng “dư âm” về số liệu lạc quan của lĩnh vực chế tạo vẫn còn.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 5/2014 giảm 35 xu xuống 99,39 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 11 xu xuống mức 105,51 USD/thùng.
Trong một bình luận, Ngân hàng Pháp Credit Agricole cho biết “chúng tôi đang theo dõi biên độ giao dịch ở các thị trường châu Á ngày hôm nay. Không có số liệu quan trọng nào được công bố trong ngày. Thêm vào đó tiếp tục thiếu định hướng cho hoạt động giao dịch”.
Giá dầu đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay nhờ các báo cáo tích cực về lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, mà được công bố một ngày trước đó.
Theo đó, Trung Quốc thông báo chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức trong tháng Ba tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp của 8 tháng qua trong tháng Hai.
Trong khi, Markit Economics cho biết PMI của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2014 đứng ở mức 53, thấp hơn so với mức 53,2 của tháng Hai, nhưng mức trung bình của cả quý I là 53,4.
Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ cũng cho biết chỉ số PMI của nước này đạt 53,7 so với mức 53,2 của tháng trước. PMI trên 50 cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng.
Ric Spooner, chiến lược gia thị trường thuộc CMC Markets tại Sydney, nói rằng các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo về dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ được công bố vào cuối ngày hôm nay (2/4). Nhiều người dự doán lượng dầu trong các kho này sẽ tăng khoảng 2,5 triệu thùng. Dự trữ dầu của Mỹ tăng lên nghĩa là nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này suy yếu. Điều này sẽ gây sức ép lên giá dầu.
Giới đầu tư cũng đang theo dõi tình hình ở Ukraine, sau khi NATO cho biết đã đình chỉ toàn bộ các hoạt động hợp tác với Nga.
Nga cung cấp khoảng 25% nguồn khí đốt tự nhiên cho châu Âu, khoảng 80% trong số đó là trung chuyển các đường ống dẫn dầu tại Ukraine.
M. H(Theo AFP)