Toàn cảnh nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Trong phiên giao dịch chiều ngày 19/1, giá dầu trên thị trường châu Á phục hồi từ "đáy" của 12 năm qua nhưng vẫn dưới mốc 30 USD/thùng sau khi các nước phương Tây và Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran, mở đường cho nước này tăng xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường.
Chiều 19/1, trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2016 đã tăng 13 xu Mỹ (0,44%) lên 29,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2016 cũng tăng 55 xu Mỹ (1,93%) lên 29,10 USD/thùng. Hôm thứ Hai (18/1) giá dầu Brent đã lần đầu tiên kể từ tháng 11/2003 xuống dưới 28 USD/thùng.
Sanjeev Gupta, phụ trách mảng dầu khí khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn EY cho biết, việc Iran quay trở lại thị trường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung.
Hai ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính và năng lượng đối với Iran, ngày 18/1, quốc gia Hồi giáo này thông báo sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày. Hiện Iran mỗi ngày sản xuất 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong khi xuất khẩu chỉ hơn 1 triệu thùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran sẽ dần dần do một số hạn chế nhất định.
* OPEC: Thị trường dầu mỏ sẽ bắt đầu tái cân bằng từ năm 2016
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 18/1 dự đoán một quá trình “tái cân bằng” (của thị trường dầu mỏ thế giới) sẽ bắt đầu diễn ra trong năm 2016, khi giá dầu giảm mạnh khiến các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC như Mỹ giảm sản lượng.
Nếu dự báo kể trên của OPEC chính xác thì đó sẽ là một thành công của chiến lược duy trì hạn ngạch sản lượng để bảo vệ thị phần của tổ chức này, cho dù giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng, từ mức cao trên 100 USD/thùng trong năm 2014.
Trong báo cáo hàng tháng của OPEC, các phân tích cho thấy trong năm 2016, mức cung sẽ chi phối thị trường và đánh dấu năm bắt đầu quá trình tái cân băng của thị trường dầu mỏ thế giới.
Sau bảy năm liên tục sản lượng dầu của các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC tăng mạnh với hơn 2 triệu thùng/ngày, năm 2016 sẽ chứng kiến sản lượng dầu mỏ của những quốc gia này sụt giảm do tác động bất lợi của việc cắt giảm đầu tư. Dự kiến, sản lượng của các nước ngoài OPEC trong 6 tháng tới sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ giá dầu thấp kéo dài với mức giảm lên tới 660.000 thùng/ngày, xuống còn khoảng 56,21 triệu thùng/ngày.
Về nhu cầu dầu mỏ thế giới, OPEC đã nâng nhẹ con số dự đoán thêm 1,26 triệu thùng/ngày lên 94,17 triệu thùng/ngày.
Trước đó, hồi đầu tháng 12/2015, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác bất chấp tình trạng cung vượt cầu đang diễn ra khiến giá dầu thế giới giảm mạnh.