Điện tăng giá 7,5% kể từ ngày 16/3 tới sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,23%. Đồng thời, tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng khoảng 9.800 đồng. Tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép và xi măng khoảng từ 0,07 - 0,66%.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về ảnh hưởng của việc tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho hay biểu giá điện lần này cũng tính tới ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng).
Qua khảo sát của phóng viên TTXVN tại một số ngành sản xuất có lượng điện năng tiêu thụ lớn về mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá điện 7,5% cho thấy, với ngành xi măng, trước diễn biến tăng giá điện, chắc chắn ngành này sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, nhưng các doanh nghiệp sẽ tự điều tiết giá bán để cân bằng. Ông Trương Quốc Huy, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Bút Sơn cho biết: Hiện xi măng Bút Sơn phải sử dụng 100 kWh điện cho mỗi tấn sản phẩm. Giá điện cho sản xuất cao hơn so với điện tiêu dùng và với công suất hiện tại của nhà máy là khoảng 2,8 triệu tấn sản phẩm, chắc chắn chi phí sản xuất cũng sẽ tăng và ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm.
Công nhân Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và đại diện khách hàng chốt chỉ số công tơ. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN. |
Hiện các doanh nghiệp được tự chủ về giá. Nhiều năm trước đây, khi xi măng cung chưa đủ cầu thì tình trạng khan hàng cũng diễn ra và giá cả có biến động tăng vào những thời điểm này. Khi đó, Chính phủ và cả Bộ Xây dựng đều có giải pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn cung xi măng đã đáp ứng, thậm chí vượt cầu trong nước thì giá xi măng phụ thuộc vào điều tiết của thị trường vì mặt hàng này không nằm trong danh mục các mặt hàng Chính phủ quản lý giá. Vì vậy, ông Trương Quốc Huy cho rằng, doanh nghiệp xi măng cũng phải tính đến các giải pháp như tiết kiệm tối đa chi phí, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Chi phí cho điện chiếm khoảng 7% trong cấu thành giá sản xuất phôi thép. Trong khoảng hơn 10 triệu tấn thép sản xuất thì có tới 70-80% phôi thép sản xuất bằng điện. Mỗi tấn phôi thép hiện nay cần khoảng 400 – 500 kWh điện nếu sử dụng công nghệ hồ quang và khoảng 600 kWh nếu sử dụng công nghệ cảm ứng.
Như vậy, “với mức tăng giá điện 7,5% nhiều khả năng sẽ khiến giá thành sản phẩm thép cũng tăng nhẹ theo. Dựa trên mức tiêu hao điện năng từ khâu luyện phôi đến cán thép, mức tiêu hao điện năng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm khoảng 80.000-100.000 đồng/tấn. Con số này tuy không phải là lớn, nhưng trong bối cảnh ngành thép còn nhiều khó khăn thì cũng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Dũng bày tỏ.
Điều này cũng khiến doanh nghiệp thép nội giảm sức cạnh tranh về giá, đặc biệt trong khi giá phôi thép từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam đang ngày một rẻ. Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại để điều chỉnh chi phí sản xuất, cân đối giá thành. Trong khi thị trường trong nước còn gặp khó khăn, cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc, xuất khẩu của ngành cũng không có nhiều khả quan thì việc tăng giá điện đang là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp thép.
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Tổng Giám đốc Công ty thép Kansai cho hay, giá điện tăng 7,5% chắc chắn sẽ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn thì nay với việc giá điện tăng, khó khăn sẽ còn nặng hơn.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay: Việc Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng 7,5% giá bán điện kể từ ngày 16/3 sẽ ảnh hưởng tới việc tăng giá thành sản xuất của ngành giấy từ 0,5 đến 0,8% tương đương 1 tấn giấy.
“Thà rằng giá điện tăng cao hẳn để doanh nghiệp cùng lập lại mặt bằng giá chung chứ cứ tăng nhỏ giọt thế này thì rất khó cho doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp biết trước kế hoạch này sớm hơn thì sẽ chung sức với ngành điện khắc phục khó khăn này ”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Bảo, trước diễn biến tăng giá điện, chắc chắn ngành sản xuất giấy sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, nhưng các doanh nghiệp ngành giấy cam kết không tăng giá bán và ổn định nguồn cung. Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp giấy hiện nay là cần tiết kiệm tối đa chi phí, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào phần tăng giá điện.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho biết: Theo ước tính hiện nay, các siêu thị và đơn vị sản xuất hàng hóa “ngốn” từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Việc tăng giá điện lên 7,5% chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế mà trước hết là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Khi chi phí sản xuất tăng lên sẽ được đưa vào giá thành làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán để điều chỉnh sản xuất và đưa ra mức giá thành hợp lý để người tiêu dùng có thể chấp nhận được.
Mai Phương, Thu Hằng, Đức Dũng, Uyên Hương (TTXVN)