Giá gạo theo đó cũng liên tục tăng trong thời gian qua, giúp các công ty xuất khẩu gạo kỳ vọng có một năm tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mảng kinh doanh xuất khẩu gạo được dự báo còn không ít khó khăn.
Giá gạo đồng loạt tăng cao
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực trong tháng 4/2021 tiếp tục tăng 1,7% so với tháng 3/2021, lên mức 120,9 điểm, cao hơn 30,8% so với năm 2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng USD suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.
Tại Việt Nam, dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, với điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới, sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia. Nhu cầu nhập khẩu gạo theo đó sẽ tăng trong năm 2021; trong đó, thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng của thị trường này.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 1,9 triệu tấn, với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong một báo cáo phân tích về diễn biến giá lương thực toàn cầu tăng cao phát hành gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect chỉ ra rằng, giá gạo và đường trong nước đã tăng 18,6% theo giá lương thực thế giới. Đại dịch COVID-19 cũng buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, đẩy giá gạo lên cao. Nhu cầu và giá bán cùng tăng được kỳ vọng sẽ giúp các công ty sản xuất gạo mở rộng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới đối với lượng hàng tồn kho giá thấp.
Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã có đơn hàng cố định trong nước và quốc tế vào tháng 2, 6 và 9 hàng năm. Do đó, việc giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận mảng gạo. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Lộc Trời sẽ tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang EU với mặt hàng gạo thơm Jasmine 85 để được hưởng ưu đãi thuế 0% trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA.
Mặc dù giá bán tăng cao, song thực tế tình hình xuất khẩu gạo ở các doanh nghiệp hiện đang chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác, nhất là diễn biến dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới. Kế hoạch kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp theo đó vẫn còn nhiều ẩn số.
Lợi nhuận từ gạo vẫn chưa như kỳ vọng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) tổ chức ngày 23/5 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự kiến 14.155 tỷ đồng, tăng 88,5% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 507 tỷ đồng, tăng 8,5%.
Kết thúc quý I/2021, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 2.396 tỷ đồng, tăng 227% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 183,6 tỷ đồng. Kết quả này tích cực hơn nhiều so với số với khoản lỗ gần 37 tỷ đồng ở cùng kỳ, giúp Lộc Trời hoàn thành gần 17% kế hoạch về doanh thu và gần 46% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021.
Với kết quả kinh doanh quý I khả quan, một số cổ đông băn khoăn liệu mục tiêu lợi nhuận trong năm Tập đoàn đặt ra có khiêm tốn. Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, ngành nông nghiệp luôn phải chịu chi phối của thời tiết và dịch bệnh, đơn cử như dịch COVID-19. Các yếu tố này có thể dẫn đến ngưng trệ hoạt động của tập đoàn, đối tác và hệ thống logistics.
“Có nhiều yếu tố trong năm 2021 chúng tôi không lường trước được. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng là lời hứa mà chúng tôi có thể đạt được. Nếu thực hiện cao hơn mức cam kết này chính là lợi ích mà cổ đông và nhân viên được hưởng”, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ.
Mặt khác, lý giải nguyên nhân công ty lên kế hoạch doanh thu tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đó là do trong cơ cấu doanh thu, phần lớn là từ ngành lương thực. Vai trò chính của ngành lương thực là cung ứng đơn hàng. Trong năm 2021, Lộc Trời không đặt mục tiêu lợi nhuận cho mảng này. Khi tăng doanh thu nhưng không tăng lợi nhuận thì đặt ra bài toán cân bằng giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu để đạt mục tiêu chiến lược là tăng về quy mô.
Trong quý I/2021, doanh thu mảng lương thực của Lộc Trời đạt 604 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn kế hoạch dự kiến do vùng nguyên liệu triển khai chưa đủ diện tích theo kế hoạch. Cộng thêm, giá lúa tăng cao khiến sản lượng thu mua không đạt kế hoạch, do nông dân bỏ cam kết.
Lãi gộp mảng lương thực cũng chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ; trong đó, có nguyên nhân giá mua trên thị trường biến động nhanh vào đầu vụ trong khi cung ứng đầu vào không đảm bảo cả về số lượng và giá đã ảnh hưởng tới lợi nhuận tập đoàn. Do vậy, dù giá gạo đang tăng cao, việc Tập đoàn Lộc Trời đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng hoàn toàn có cơ sở.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tổ chức tháng 4/2021 cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với mục tiêu doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng, tăng 29% so với 2020; lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, tăng hơn 25%.
Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh này được xây dựng trước khi Trung An công bố báo cáo tài chính quý I/2021. Thực tế, trong quý I, doanh thu thuần hợp nhất của công ty chỉ đạt 437 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán hàng nội địa giảm 216 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 33%, thị trường xuất khẩu giảm 64 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 45%.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, nguyên nhân có sự giảm sâu này là do có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài như: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Thêm vào đó, trong quý I, doanh thu của công ty con giảm gần 93% so với cùng kỳ, vì các hợp đồng mua bán trước đó đã được xuất hết và đối tác hiện chưa ký kết hợp đồng mua bán mới đến thời điểm quý I.
Mặt khác, cộng hưởng với sự sụt giảm này là sự đứt gãy chuỗi cung ứng tại Công ty mẹ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng hóa xuất khẩu không được đúng tiến độ vì thiếu container…
“Đặc thù kinh doanh của ngành gạo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của rất nhiều yếu tố khách quan không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước. Trong các kỳ kinh doanh tới, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Đồng thời, chăm sóc khách hàng hiện hữu để đạt hiệu quả cao hơn cũng như bám sát kế hoạch doanh thu và lợi nhuận theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 đã đề ra”, ông Phạm Thái Bình cho biết.