Giá hàng hóa thiết yếu khó biến động mạnh

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 20/1, ông Lê Quốc Phương- Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng thường tăng mạnh, một số mặt hàng chủ lực dễ xảy ra tình trạng cầu vượt cung. Tuy nhiên, nhiều khả năng Tết Ất Mùi năm nay, giá các mặt hàng thiết yếu khó biến động mạnh.

Nguồn cung dồi dào

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán 2015, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuẩn bị nguồn hàng hóa khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với 2013.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 16.000 tỷ đồng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 20/1- 18/2, tức từ ngày 1- 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.262,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861,8 tỷ đồng. Năm nay, khả năng cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp đã tăng bình quân 63% so kế hoạch thành phố giao và tăng 80% so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại một số chợ đầu mối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá các loại mặt hàng phục vụ Tết, đặc biệt là thực phẩm hiện tương đối ổn định. Bà Nguyễn Thị Đông, một người bán thịt tại chợ Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Tết năm nay giá thịt lợn rất khó tăng do nguồn cung nhiều, sức mua của người dân không cao”.

Giá các mặt hàng thiết yếu khó biến động mạnh dịp Tết Nguyên đán 2015. Ảnh: Lê Phú.


Hiện nay, tại các chợ Hà Nội, thịt lợn vẫn bán ở mức giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, gà công nghiệp 70.000 - 80.000 đồng/kg, gà ta 100.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò 270.000 - 280.000 đồng/kg, su hào 3.000 - 4.000 đồng/củ, cải bắp 5.000 - 7.000 đồng/kg…

Là chợ đầu mối lớn nhất về nguồn cung các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả cho các chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm nay lượng hàng về hai chợ đầu mối nông sản Bình Điền và Thủ Đức cũng khá phong phú. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, lượng hàng về chợ dịp Tết  Ất Mùi  sẽ tăng 3 - 4 lần  so với ngày bình thường.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - hệ thống siêu thị Fivimart sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu của khách hàng. Fivimart cũng có chương trình khuyến mãi giảm giá từ 25 - 30% cho nhiều sản phẩm; các mặt hàng thực phẩm cũng có chương trình khuyến mãi từ 5 - 10% tùy sản phẩm.

Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu Tết, Big C đã thu mua nhiều loại bánh kẹo Việt Nam từ nhiều nhà sản xuất như: Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Blue Star, Vinamit, Bibica, Hải Hà. Siêu thị cũng chuẩn bị khoảng 420 tấn thịt tươi với các mặt hàng chủ lực là thịt lợn, thịt gà nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Doanh nghiệp cam kết bán hàng đúng giá 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương), giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ khó biến động mạnh do Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có những biện pháp quyết liệt đảm bảo cân đối cung cầu, cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo số lượng hàng, chất lượng hàng và bán đúng giá.

“Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước trong năm 2014 và đầu năm 2015 nhìn chung ổn định. Đặc biệt giá xăng dầu giảm mạnh thời gian gần đây bước đầu có tác động tích cực đến giá vận tải. Giá hàng hóa ít có khả năng tăng mạnh vào dịp Tết”, ông Phương nói.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), các tiểu thương tại chợ đã hợp đồng trước với nơi sản xuất tại các tỉnh và cùng người sản xuất cam kết giữ giá để phục vụ cho người dân thành phố trong dịp Tết.

“Tết là thời điểm một số loại rau củ quả sẽ tăng hơn so với ngày thường nhưng mức tăng chỉ dao động 1.000- 5.000 đồng/kg. Nếu vượt quá mức này, chúng tôi sẽ có biện pháp can thiệp”, bà Hà cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, giá nhiều mặt hàng hiện không tăng nhưng vẫn “đứng” ở mức cao một cách vô lý khi giá xăng dầu đã giảm liên tiếp. Còn với chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện nay, đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, một số mặt hàng trong chương trình như trứng, thịt dù có giảm nhưng không đáng kể.

Bởi với hàng ký gửi, giá bán phải đàm phán với nhà cung ứng, siêu thị không được tự ý giảm giá. Còn với trường hợp hàng do siêu thị nhập về bán thì họ có thể quyết định được việc giảm hay không.

Vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, ngành thương mại phải tổ chức tốt hệ thống cung cầu. Khi hàng hóa dồi dào, lưu thông thuận lợi giữa vùng cung cấp nguyên liệu với nơi tiêu thụ thì giá cả hàng hóa sẽ ổn định. Theo ông Vũ Vinh Phú, có ba nguyên tắc để có thể bình ổn giá hiệu quả, một là mua tận gốc bán tận ngọn; thứ hai phải có hệ thống phân phối rộng khắp, bao phủ khoảng 60% thị trường; thứ ba là tung hàng đúng thời điểm.


Phương-Tuyết-Hồng

Ngăn ngừa dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm dịp Tết
Ngăn ngừa dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào các nơi sản xuất hàng hóa như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, các chợ đầu mối về rau, củ, quả...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN