Nhà nông Trương Văn Nghiệp, ở thôn Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp đang trồng hơn 2.000 trụ hồ tiêu. Theo ông Nghiệp hồi đầu mùa giá thương lái thu mua tại vườn 40.000 đồng/kg, vườn nhà ông thu được gần 1 tấn (giảm gần 2 tấn so với vụ năm 2019 do mất mùa) và đã bán sạch không trữ lại kg nào. Nghe bà con báo giá tăng thêm 10.000 đồng/kg so với đầu mùa nhưng cũng chưa mấy vui.
Ông Nghiệp cho biết thêm do những năm qua giá xuống quá thấp khiến nhiều người trồng hồ tiêu sống trong nợ nần do lỡ theo trồng nên buộc phải đầu tư, trong khi giá phân bón và tiền nhân công chăm sóc càng ngày càng tăng.
Vườn hồ tiêu của ông Nghiệp trồng được 7-8 năm nay, nhưng tính toán về thu nhập thì càng ngày càng ít đi. Trong vụ năm 2019 vườn hồ tiêu cho thu hoạch hơn 3 tấn. Tuy nhiên niên vụ năm 2020 sản lượng còn xấp xỉ 1 tấn do mất mùa, cộng thêm giá bán tại vườn 40.000 đồng/kg nên gia đình ông Nghiệp thu không đủ bù chi.
Nhà nông Hoàng Thị Hoàn cũng trồng 2.000 trụ hồ tiêu nhưng do giá xuống thấp, công chăm sóc lớn nên bỏ bê khiến vườn hồ tiêu chết mòn hiện còn 1.000 trụ.
Theo nhà nông Hoàn, hồ tiêu nếu tăng lên ít nhất 100.000 đồng/kg thì mới sống được nghề này, còn như hiện nay thì bà con ở “ thủ phủ” Bình Phước chưa thể làm giàu bằng cây này được. Bà Hoàn cho biết, do cây tiêu hết thời nên gia đình đang chuyển sang mô hình chăn nuôi dê, nuôi hưu để giải quyết cứu đói chờ vụ giáp hạt năm sau và chờ giá tăng trở lại.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước hiện nay tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh khoảng 15.000 ha; trong đó tập trung nhiều nhất là “thủ phủ” Lộc Ninh và huyện Bù Đốp. Thế nhưng do liên tục mất giá, mất mùa khiến các vườn tiêu ít chăm sóc đúng kỹ thuật dẫn đến một phần diện tích hồ tiêu bị chết khá lớn.
Riêng năm 2019, trên địa bàn Bình Phước ghi nhận hơn 300 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết chậm; trong đó cao điểm là huyện Bù Đốp có nhiều hộ bị “ xóa sổ” do vườn tiêu người dân bỏ bê ít chăm sóc vì cây “ vàng đen” hết thời, rớt giá...