Là một trong những hộ dân có diện tích sầu riêng lớn nhất ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, bà Phạm Thị Na rất thất vọng khi vườn sầu riêng 400 cây của gia đình liên tục rụng hoa, rụng quả non. Theo bà Na, nguyên nhân do đầu tháng 4, khi sầu riêng đang độ ra hoa, đậu quả non lại gặp phải cơn mưa lớn làm hoa rụng rất nhiều. Tiếp đến là nắng nóng gay gắt kéo dài hơn 3 tuần khiến quả non tiếp tục rụng hàng loạt.
Cùng chung tình cảnh tương tự, ông Lê Anh Đàn ở thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh xót xa chia sẻ, nhìn vườn sầu riêng gần 200 cây liên tiếp bị rụng hoa, rụng quả non mà sót cả ruột. Do thời điểm cây sầu riêng đang ra hoa gặp phải đợt mưa kéo dài làm hoa bị hư hại, dẫn đến không đậu quả. Ngoài ra, trên địa bàn còn xuất hiện một số cơn mưa bất thường giữa những ngày nắng nóng cũng làm rụng hoa, rụng quả non rất nhiều. Dự kiến, vụ sầu riêng năm nay năng suất chỉ bằng 1/3 năm ngoái, thiệt hại rất lớn và khó thu hồi được vốn đầu tư chăm sóc.
Toàn huyện Chư Păh có 753 ha sầu riêng; trong đó, hơn 160 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Do ảnh hưởng của thời tiết bất thường nên nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn huyện này bị rụng hoa, quả non gần 20%.
Ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh, cho biết, thời gian vừa qua, thời tiết đang nắng nóng thì xuất hiện một số cơn mưa lớn làm cây trồng sốc nhiệt. Cây sầu riêng là loại cây trồng nhạy cảm với thời tiết, do đó chỉ cần thời tiết thay đổi bất thường sẽ khiến cây sầu riêng gặp tình trạng rụng hoa, quả non và dễ mắc một số bệnh do virus, nấm bệnh…
Để giúp vườn cây phục hồi và giảm tỷ lệ rụng hoa, quả non, trung tâm thường xuyên khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn nên sử dụng phân bón trung vi lượng. Nếu gặp mưa nhiều cần sử dụng một số biện pháp phòng trừ nấm bệnh do mưa gây ra, ngoài việc đề phòng bệnh còn giúp cây nhanh phục hồi.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, hiện tại các địa phương chưa có báo cáo cụ thể về tình trạng sầu riêng bị thiệt hại do thời tiết bất thường. Cũng theo ông Có, trước đây, khi người dân trồng sầu riêng bị thiệt hại, Nhà nước sẽ hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng thiệt hại thiên tai dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ. Còn hiện tại, Nghị định này đang sửa đổi nên việc hỗ trợ cho người dân không còn. Hiện nay, các địa phương đang trình Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định để kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng trên 4.000 ha sầu riêng; trong đó, có hơn 1.700 ha sầu riêng kinh doanh, với năng suất bình quân 15 tấn/ha. Dự kiến đến năm 2025, Gia Lai sẽ nâng diện tích sầu riêng lên 5.000 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh Gia lai đang khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để giảm thiểu rủi ro cho cây sầu riêng, người trồng cần có những biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời. Đặc biệt là vào thời kỳ cây ra hoa, đậu quả và giai đoạn trái sầu riêng tạo múi nên người nông dân cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng; tỉa hoa và quả đúng thời điểm; cân đối giữa phân hữu cơ, đạm và lân sau mỗi vụ thu hoạch để lấy lại sức phát triển cho cây.