Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ sản xuất để phục vụ cho duy trì đàn vật nuôi và tái đàn. Từ đó, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 cũng như dịp Tết Nguyên đán và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19.
Từ tháng 4 đến nay, giá lợn thịt xuất chuồng có xu hướng giảm, thậm chí có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg. Thời điểm tuần từ 25-30/9 giá lợn hơi trung bình cả nước là 46.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại miền Bắc giá lợn hơi của công ty dao động từ 44.000-51.000 đồng/kg và trong dân từ 43.000-46.000 đồng/kg./ Tại miền Trung của công ty dao động từ 41.000-52.000 đồng/kg và trong dân từ 46.000-48.000 đồng/kg. Tại miền Nam của công ty dao động từ 45.500-51.500 đồng/kg và trong dân từ 44.000-46.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi, so sánh với giá thành sản xuất thì chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ đang lỗ từ 8.900-9.700 đồng/kg; nông hộ lỗ từ 7.700-8.700 đồng/kg; chăn nuôi trang trại, tập đoàn lớn lãi từ 1.900-2.700 đồng/kg.
Về sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc từ 15.000-20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam từ 6.000-10.000 đồng/kg. Những ngày gần đây, giá tại các tỉnh phía Bắc lên trên 25.000 đồng/kg, các tỉnh phía Nam từ 18.000-20.000 đồng/kg.
Giá vịt thịt từ 25.000-35.000 đồng/kg; trứng vịt từ 2.600-3.000 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 2.200-2.500 đồng/quả, giá trứng gà màu 2.500-3.000 đồng/quả.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi. Đặc biệt các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được từ 5-10% gà công nghiệp trắng, gà lông màu và lợn tiêu thụ được khoảng 70%.
Thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành có nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời, tháo gỡ khó khăn, ách tắc..., tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế.
Một số chốt kiểm tra có thời điểm vẫn bị ùn tắc giao thông dẫn đến vận chuyển hàng tươi sống không được thuận lợi. Một số địa phương còn quy định hàng hóa phải sang xe rất khó khăn cho việc bốc vác, tăng chi phí, nhất là với xe có trọng tải từ 10-20 tấn, vật sống. Có địa phương bắt buộc lái xe và người ngồi trên xe phải đã tiêm phòng và phải có kết quả xét nghiệm PCR, không chấp nhận xét nghiệm nhanh...
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, nguồn cung, nhu cầu và khả năng điều tiết, tiêu thụ thực phẩm thiết yếu. Cục kịp thời hướng dẫn, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi trong vận chuyển sản phẩm liên tỉnh; cung cấp danh sách trang trại để kết nối cung-cầu thực phẩm.
Cục Chăn nuôi cho biết, kế hoạch sản xuất năm 2021 sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn; sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả; sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn.
Đến tháng 8, tổng đàn lợn khoảng 26,67 triệu con, tăng 4,5%; đàn gia cầm 515 triệu con ước tăng 5,4%; đàn bò thịt trên 6,3 triệu con, tăng khoảng 1,8%; đàn bò sữa trên 331.000 con; đàn dê cừu trên 2,8 triệu con; riêng đàn trâu 2,4 triệu con giảm 3,8%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5%.
"Căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu của tiêu dùng cân đối giữa các vùng cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu", Cục Chăn nuôi cho hay.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng vẫn còn xảy ra và dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương, cơ sở chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi.