Vụ lúa trên đất tôm 2024 – 2025, nông dân Bạc Liêu xuống giống hơn 18.000 ha lúa ST chiếm gần 40% diện tích lúa tôm của toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích lúa ST đã bước vào giai đoạn làm đồng, trổ bông. Nông dân cũng đang tích cực chăm sóc bổ sung bón phân hữu cơ, phun xịt dưỡng bông cho lúa. Với những điều kiện thuận lợi hiện nay cùng với trà lúa ST phát triển tốt nông dân đang kỳ vọng vào một vụ mùa thuận lợi, đạt năng suất.
Theo chia sẻ của nông dân, sản xuất lúa trên đất tôm dễ chăm sóc, chi phí thấp, lợi nhuận thu được thường cao hơn so với canh tác lúa trên nền đất truyền thống, thời điểm thu hoạch lúa thường rơi vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên việc tiêu thu cũng thuận tiện hơn.
Ghi nhận tại huyện Hồng Dân, một trong những địa phương có diện tích lúa trên đất tôm lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với diện tích hơn 24.000 ha. Mô hình này được huyện chọn là mô hình sản xuất bền vững cho nông dân vùng tôm – lúa nên hàng năm, Hồng Dân luôn dành nguồn kinh phí khá lớn để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển, nhân rộng diện tích lúa trên đất tôm. Nhất là hỗ trợ nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đang được ưa chuộng để xuất khẩu. ST24, ST25 là giống lúa được huyện phát triển khá lớn với hơn 7.000 ha, chiếm gần 30% diện tích lúa trên đất tôm của huyện. Giống lúa ST24, ST25 được nông dân huyện đánh giá là giống lúa phù hợp với thỗ nhưỡng tại đây. Đồng thời, với giá thu mua cao, giống lúa ST ngày càng được nông dân quan tâm nhiều hơn.
Ông Võ Văn Sơn, ở ấp ấp Nhà lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, vụ này gia đình sản xuất được 5 ha lúa ST trên nền đất lúa-tôm, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Hiện các trà lúa đang trong phát triển rất tốt nhờ thời tiết thuận lợi. Năm nay, giá lúa đang được các thương lái thu mua rất cao, khiến nông dân ai cũng vui mừng, phấn khởi, đặc biệt là lúa ST. Với giá được thương lái thu mua trên 12.000 đồng/kg, theo ông Sơn, sau khi trừ chi phí, mỗi công lúa (1.000m2), nông dân sẽ đạt lợi nhuận trên 60%.
Bà Phan Thị Đèo, ấp Nhà lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hiện thương lái đã bắt đầu “đặt cọc” các trà lúa của gia đình với giá 12.000/kg nhưng gia đình chưa nhận cọc, chờ thu hoạch rồi bán lúa tươi theo giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân thông tin, trong những năm qua, khi áp dụng mô hình lúa-tôm được triển khai trên địa bàn huyện phát huy được tính hiệu quả rất cao. Bởi vì, khi sản xuất lúa, kết hợp với nuôi tôm mang lại lợi nhuận và cải tạo môi trường rất tốt. Đặc biệt là trong niên vụ 2023-2024, người dân vô cùng phấn khởi khi trúng mùa, trúng giá.
Trước đó, trong vụ lúa Hè Thu 2024, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài khiến cho hơn 10.000 ha lúa của nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân… thu hoạch không được kịp thời, lúa bị đổ ngã làm giảm năng suất, lẫn giá bán. Từ vụ sản xuất được kỳ vọng thắng lợi cả năng suất lẫn giá bán thì nông dân Bạc Liêu lại gặp thực tế của một vụ sản xuất mất mùa, mất cả giá.
Với những tín hiệu lạc quan về giá cả và sự thuận lợi của thời tiết, nhất là giá của lúa ST đạt cao khiến cho nông dân càng thêm phấn khởi. Niềm vui càng được nhân đôi khi việc thu hoạch lúa cao điểm vào thời điểm cận Tết sẽ giúp cho nông dân trên địa bàn tỉnh đón được cái Tết thêm phần sung túc, vui tươi. Nhất là việc duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa-tôm - mô hình phát triển bền vững, thuận thiên, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm và khuyến khích các địa phương như Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai… duy trì và nâng dần diện tích trồng các các loại lúa đặc sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân; trong đó chủ yếu là các giống lúa đặc sản như ST, BL… Việc phát triển giống lúa này khá thuận lợi ở các địa phương. Bởi giống lúa không chỉ phù hợp thổ nhưỡng mà với phương thức sản xuất thân thiện với môi trường đã làm cho sản phẩm lúa đặc sản được trồng tại Bạc Liêu càng có chất lượng hơn, an toàn hơn, ngon hơn và giá luôn cao hơn các giống lúa khác.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, mục tiêu mà ngành đề ra đến năm 2025, là mở rộng diện tích sản xuất lúa-tôm lên hơn 43.000 ha.
Để đạt được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cũng cho biết, đơn vị sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, là hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”, giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu…