FAO cho biết trong tháng 4 vừa qua, giá thịt tăng lớn nhất, ở mức 1,6%. Nguyên nhân là do nhu cầu về thịt gia cầm tăng cao ở Trung Đông.
Giá ngũ cốc và các loại hạt, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Chỉ số giá lương thực, tăng 0,3% do lo ngại về sản xuất ở châu Âu và gián đoạn vận chuyển do tình hình xung đột ở Ukraine.
Giá dầu thực vật tăng nhẹ do điều kiện thời tiết bất lợi ở Bắc bán cầu, sau khi tăng mạnh tới 8% vào tháng 3.
Trong khi đó, giá đường giảm 4,4% do sản lượng dồi dào ở Ấn Độ và Thái Lan, cùng thời tiết thuận lợi ở Brazil.
Giá sữa giảm 0,3% sau khi tăng trong 6 tháng trước đó. FAO cho biết tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm này.
Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 4 nhìn chung tăng 0,3% so với tháng 3. Một tháng trước đó, chỉ số này cao hơn 1,1% so với tháng 2, trong khi trước đó chỉ số đã giảm 7 tháng liên tiếp.
Lần gần nhất, chỉ số giá lương thực tăng hai tháng liên tiếp là vào tháng 2 và tháng 3 năm 2022, khi giá năng lượng tăng cao đẩy chỉ số lên mức cao nhất mọi thời đại là 160,2 điểm.
Mặc dù giá lương thực tăng liên tiếp trong hai tháng, chỉ số giá lương thực hiện chỉ là 119,1 điểm, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục nêu trên.