Dù chịu ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết khiến năng suất giảm nhưng bù lại giá mía đầu mùa đang ở mức cao, đem lại niềm vui và phấn khởi cho nông dân.
Huyện MĐrắk là một trong những vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Những ngày này, trên các ruộng mía, người dân đang hối hả đổi công thu hoạch mía nhằm tăng hiệu quả công việc và tiết kiệm chi phí sản xuất. Ông Y Ken Niê, Buôn Ea HMLai, xã Krông Jing, huyện MĐrắk, Đắk Lắk cho biết, gia đình năm nay có 3 ha mía, dự kiến thu hoạch được 150 tấn.
Năng suất có giảm so với niên vụ trước do năm 2021 xảy ra hạn hán và mưa lũ nhưng giá mía năm nay cao. Hiện mía được mua hơn 1.000.000 đồng/tấn. Việc tiêu thụ mía cũng thuận lợi khi nông dân đều được ký kết bao tiêu sản phẩm với các nhà máy sản xuất mía đường. Xe của nhà máy vào tận ruộng để vận chuyển mía nên người dân rất phấn khởi.
Còn theo ông Y Thiên Byă, buôn Ea HMLai, xã Krông Jing, huyện MĐrắk, Đắk Lắk, những năm trước đây, giá mía thấp, có thời điểm chỉ khoảng 600.000 đồng/tấn, năm nay lên hơn 1.000.000 đồng/tấn đem lại niềm vui cho người trồng mía trong dịp đầu năm mới. Ông hy vọng, giá mía giữ ổn định để đảm bảo đời sống nhân dân vùng trồng mía.
"Niên vụ mía năm nay gia đình trồng 1 ha đã thu hoạch, với giá mía hiện tại sau khi trừ cho phí sản xuất khoảng 30 triệu đồng, gia đình thu lãi trên 50 triệu đồng từ vụ mía. Đây là nguồn thu để tái đầu tư sản xuất và góp phần phục vụ đời sống gia đình. Tuy năm nay giá mía tăng cao nhưng giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… đồng loạt tăng làm đội chi phí sản xuất, điều này cũng khiến nông dân không khỏi lo lắng". ông Y Thiên Byă chia sẻ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện MĐrắk Nguyễn Thế Thập cho biết, mía là một trong những cây trồng chủ lực của huyện MĐrắk với diện tích gần 6.000 ha. Hiện nông dân đã thua hoạch được khoảng 2.000 ha với giá bán hơn 1.100 đồng/kg mía, đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Bà con rất phấn khởi khi giá mía tăng cao hơn năm ngoái dù năng suất mía có giảm do ảnh hưởng của thời tiết.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất mía đường ở tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đều có ký kết bao tiêu sản phẩm nên đã tập trung thu mua nhanh gọn cho bà con. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo cho các địa phương, khẩn trương thu hoạch, phấn đấu đến hết tháng 4/2022 hoàn thành việc thu hoạch mía để tái đầu tư, sản xuất kịp thời cho niên vụ sau, đảm bảo hiệu quả kinh tế và mùa vụ.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 12.265 ha tập trung chủ yếu ở các huyện MĐrắk, Ea Kar, Ea Súp... Trước những lo lắng khi chi phí sản xuất tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất cây mía.
Đồng thời, sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ, sử dụng phân đúng thời điểm của từng loại cây trồng để vừa đạt hiệu quả vừa tiết kiệm từ đó giảm chi phí sản xuất.