Từ nhiều năm nay, giá sữa, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ em luôn tăng chóng mặt khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh đó, tâm lý “sính ngoại” của một số người tiêu dùng càng khiến giá sữa “nhảy múa”. Tuy nhiên, sau hai tháng Bộ Tài chính thực hiện áp giá trần đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá sữa có phần “hạ nhiệt”.
Rà soát sản phẩm thuộc danh mục
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã có thông báo 574/TB-BTC yêu cầu về mức giá bán buôn tối đa và giá đăng ký bán buôn đối với 4 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Công ty TNHH Nestle Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 1/9, bốn sản phẩm sữa của Nestle Việt Nam dạng hộp thiếc, trọng lượng 900g gồm: S-26 Gold, S-26 Promil Gold, S-26 Progress Gold và S-26 Promise Gold sẽ bị áp giá trần. Cụ thể: Mức giá bán buôn tối đa và giá đăng ký bán buôn đối với 4 loại sản phẩm trên lần lượt là 469.632 đồng/hộp, 447.890 đồng/hộp, 395.709 đồng/hộp và 334.830 đồng/hộp.
Sau khi áp trần, giá sữa đã “hạ nhiệt”. |
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ ngày 1/6, 25 dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm giá từ 11- 24% sau quyết định bình ổn giá sữa. Nhưng sau đó 30 sản phẩm bản chất là sữa bột đã “thay tên, đổi họ” với tên gọi khác như: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng; sản phẩm dinh dưỡng… hoặc thay đổi trọng lượng sản phẩm để không bị áp giá trần. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế rà soát 30 sản phẩm được cho rằng không phải là sữa theo quy định tại Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 4/10/2013 của Bộ Y tế về danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Danh sách 30 sản phẩm nghi vấn "đổi tên" đã được Bộ Tài chính gửi sang Bộ Y tế để kiểm nghiệm.
Sau khi rà soát, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Toàn bộ 30 sản phẩm mà Bộ Tài chính yêu cầu rà soát đều thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá. Sau khi có kết luận này, Bộ Tài chính đã yêu cầu sở tài chính các địa phương tổ chức liên tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ, đăng ký giá, niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin về giá sữa để người dân cùng giám sát.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đến thời điểm này, đã có 30 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với hơn 500 sản phẩm đã đăng ký và thuộc diện quản lý giá. Sau quyết định bình ổn và áp giá trần, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã ổn định hơn so với trước.
Đề cập tới việc liệu có còn những sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường nhưng chưa được kiểm tra để đưa vào danh mục bình ổn, áp giá trần, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng: Chắc chắn còn nhiều sản phẩm như vậy nên Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát.
Thanh tra, kiểm tra mạnh giá sữa
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc kiểm soát giá sữa bột cho trẻ em trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát danh mục sản phẩm sữa và thực hiện quản lý nhà nước về giá. Bên cạnh đó, Bộ sẽ cùng với Bộ Công Thương triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mức giá bán lẻ tối đa, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết...
Theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương vẫn chậm gửi báo cáo về việc tổ chức thực hiện, diễn biến giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa bàn. Trước đó, Bộ đã phải gửi văn bản đôn đốc 21 tỉnh chưa gửi báo cáo tình hình triển khai theo quy định bình ổn giá sữa. |
Đại diện Bộ Tài chính cũng kiến nghị: Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn định danh sữa một cách thống nhất. Bên cạnh đó, mỗi khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành cho một sản phẩm sữa đăng ký mới, thay đổi mẫu mã, quy cách chất lượng, trọng lượng, cần cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho Cục Quản lý giá.
Theo một số chuyên gia thương mại, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các ngành chức năng có liên quan thời gian qua đã giúp thị trường sữa dần đi vào ổn định. Đơn cử: Sau quyết định bình ổn, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong tháng 7 đã ổn định hơn so với tháng 6 và giảm khoảng 0,3 - 34% so với thời điểm trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Khi cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý sai phạm, mọi hành vi gian lận của doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh sữa về giá, chất lượng đã được công khai trước công luận. Việc làm này không chỉ giúp xử lý đúng người, đúng việc mà còn có tính chất răn đe với những doanh nghiệp có ý định lách luật, tăng giá sữa như thời gian trước đây. Với sự quản lý chặt chẽ, không ít người dân kỳ vọng: Giá sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ được kiểm soát chặt hơn nữa, từ đó an tâm hơn khi mua và sử dụng mặt hàng này.
Ông Tuấn cho biết thêm: Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian một năm sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ. Thời điểm đó, nếu thị trường diễn biến tốt thì có thể tính tới việc gỡ áp giá trần; còn nếu thị trường vẫn xấu thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian bình ổn giá.
Minh Phương