Trước động thái quyết liệt mới đây của Bộ Tài chính trong việc áp dụng giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có “làn sóng” giảm giá sữa. Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, liệu có tình trạng doanh nghiệp sữa “lách luật” rút bớt trọng lượng, cải tiến mẫu mã để lập lờ về giá?
Lo doanh nghiệp sữa lách luật
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp sữa đều biện minh lý do tăng giá sản phẩm là do giá nguyên liệu đầu vào cao. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương mới đây cho thấy: 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn đều vi phạm luật giá, người tiêu dùng luôn thiệt thòi còn doanh nghiệp thì lãi “khủng”.
Vung tay quảng cáo, tiếp thị
Theo kết quả thanh tra đối với 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa là: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), 4/5 doanh nghiệp này đã chi quảng cáo, khuyến mại vượt mức quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với tổng số tiền là 6 tỷ đồng. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng, dẫn đến giá bán tăng đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18% đến 16,39%.
Áp giá trần sẽ khiến giá sữa hạ nhiệt. Ảnh: Lê Phú |
Cụ thể, Công ty Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) chi vượt mức quy định 69 tỷ đồng; Công ty Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) chi vượt 249 tỷ đồng; Công ty Nestle Việt Nam chi vượt 67 tỷ đồng; Công ty Friesland Campina Việt Nam chi vượt 817 triệu đồng. Vinamilk chi cho quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành).
Tại phiên Chính phủ họp thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Đối với những chi phí bất hợp lý như chi phí quảng cáo quá lớn, Bộ Tài chính sẽ tính toán để thu thuế lợi tức đối với doanh nghiệp...
Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Các công ty sữa thu lợi nhuận từ 20 - 30% là quá lớn nên đề xuất của Bộ trưởng Tài chính về khống chế giá trần sữa là hợp lý. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhất trí (thống nhất) với đề xuất của Bộ Tài chính và yêu cầu Bộ sớm thực hiện phương án đưa ra giá trần đối với mặt hàng sữa để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng.
Đổi mẫu mã, giảm trọng lượng để giữ giá
Trong lúc các cơ quan chức năng mới đang tính toán mức giá trần thì một số doanh nghiệp sữa bắt đầu áp dụng chiêu: tung sản phẩm mới ra thị trường, ngừng bán sản phẩm cũ, giảm trọng lượng hộp sữa... để không phải xin phép Bộ Tài chính khi tăng giá sản phẩm.
Theo chị Lan Hương ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, chị mới nghe thông tin sữa cho trẻ em Pediasure B/A loại hộp 900g sắp tới sẽ không có trên thị trường do hãng sữa ngừng bán loại sản phẩm này. Thay vào đó, hãng sẽ bán loại Pediasure B/A mới với trọng lượng hộp 850g thay vì hộp 900g như trước nhưng vẫn giữ giá gần 600.000 đồng/hộp. Lý giải về hiện tượng này, đại diện Hãng Abbott Việt Nam cho biết: Abbott đang tiến hành chuẩn hóa trọng lượng đóng gói ở các thị trường trong khu vực cho một số sản phẩm, tương tự như nhiều công ty trong ngành thực phẩm và dinh dưỡng đã làm thời gian qua.
Mới đây, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam cũng thông báo về giá bán một số sản phẩm của Abbott. Trong đó, sản phẩm Pediasure B/A hộp 900g sẽ thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ cho người tiêu dùng là 610.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold hộp 900g cũng bị thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850g, giá bán được giữ ở mức 715.000 đồng/hộp. Theo tính toán, sản phẩm này tăng gần 40.000 đồng/hộp.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc các doanh nghiệp sữa lách luật bằng cách đổi mẫu mã rồi đẩy giá sản phẩm lên trước động thái quản lý giá sữa của Bộ Tài chính không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, muốn thay đổi mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký giá với Bộ Tài chính. Khi đó, Bộ sẽ xem xét mọi chi phí sản xuất, giá sữa nguyên liệu, chi phí quảng cáo... rồi mới có quyết định cho phép tăng giá hay không. "Nếu để xảy ra tình trạng đổi mẫu mã, tăng giá sản phẩm thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Long nói.
Theo ông Long, ngay cả khi giá trần được áp dụng thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường thanh tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi phát hiện ra hành vi sai phạm, cơ quan quản lý nhà nước phải xử phạt thật nghiêm và công bố công khai những doanh nghiệp vi phạm. "Phải tránh tình trạng thanh tra rầm rộ nhưng đến lúc xử phạt thì quá nhẹ. Việc công bố kết quả thanh tra cũng phải chọn thời điểm thích hợp, chứ không nên công bố kết quả vào trước ngày nghỉ lễ 30/4 như đợt công bố kết quả thanh tra giá sữa vừa rồi", ông Long thẳng thắn cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: “Đang có tình trạng một số doanh nghiệp sữa lách luật bằng cách giảm trọng lượng, từ hộp 500g xuống còn 480g; từ 900g xuống còn 850g với giá bán không đổi. Như vậy, thực chất là các doanh nghiệp đã tăng giá bán sản phẩm”. Theo ông Phú, việc áp giá trần là cần thiết và nên làm ngay đối với 3 hoặc 4 hãng sữa chiếm thị phần lớn nhất, với những loại sữa đang được tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên, ông Phú cũng khẳng định: Trong quản lý thị trường sữa, việc áp dụng biện pháp hành chính là hạ sách. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần phải điều phối lại cung, cầu; tổ chức sản xuất và nhập khẩu mặt hàng sữa để giảm bớt độc quyền.
Minh Phương - Thùy Dương