Đêm 15/5, tại thị trường Mỹ, giá vàng giảm gần 1% do hoạt động mua bán kỹ thuật sau khi giá kim loại quý này trượt xuống dưới ngưỡng quan trọng 1.300 USD/ounce. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho thấy “thể trạng” nền kinh tế này ngày càng khởi sắc khiến sức hấp dẫn của vàng bị lu mờ. Chốt phiên này, trên sàn COMEX, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.293 USD/ounce và giá vàng kỳ hạn giao tháng 6/2014 giảm 12,30 USD xuống 1.293,60 USD/ounce, với khối lượng giao dịch nhiều hơn 10% so với mức trung bình của 30 ngày qua.
Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ trong tuần qua ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 10 tháng. Ngoài ra, hoạt động chế tạo trong tháng 5 tại New York tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 năm qua.
Howard Wen, chuyên gia phân tích thuộc HSBC nhận định “sự sụt giảm của giá vàng chủ yếu do yếu tố kỹ thuật khi mức giá được giao dịch ở ngưỡng tâm lý là 1.300 USD/ounce và vì giới đầu tư tỏ ra thận trọng sau khi các số liệu kinh tế quan trọng được công bố”.
Sang phiên sáng ngày 16/5, tại châu Á, giá vàng vẫn nằm dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce trong bối cảnh số liệu việc làm và hoạt động chế tạo của Mỹ cho thấy triển vọng sáng sủa hơn đối với nền kinh tế này.
Vào lúc 7 giờ 21 phút (giờ Việt Nam), trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá vàng giao ngay không đổi, đứng ở mức 1.296,30 USD/ounce, sau khi giảm 0,9% trong phiên đêm qua (15/5). Tuy nhiên, tính chung cả tuần, kim loại quý này vẫn tăng 0,6% nhờ tình hình căng thẳng tại Ukraine .
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 1,79 tấn lên 782,25 tấn trong phiên ngày 15/5, lần tăng đầu tiên trong tháng này.
M.H (theo Reuters)