Cụ thể: Lúc 9 giờ kém 15 phút ngày 13/7, giá vàng Doji Hà Nội mua vào - bán ra ở mức 50,25 - 50,50 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 12/7
Tại hệ thống Phú Quý SJC, giá vàng SJC mua vào là 50,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với trước, còn bán ra là 50,48 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 12/7.
Ở hệ thống SJC Hà Nội, giá vàng SJC giao dịch là 50,25 - 50,67 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng bán ra so với phiên chốt phiên ngày 12/7. Giá vàng SJC giao dịch ở Công ty Bảo Tín Minh Châu không thay đổi so với phiên giao dịch trước đó, giao dịch ở mức 50,10 – 50,44 triệu đồng/lượng.
Vào cuối tuần qua, giá vàng miếng trong nước đã giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì quanh 50,5 triệu đồng một lượng - mức kỷ lục trong gần 9 năm trở lại. Chuyên gia của DOJI khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng khi gia nhập thị trường vì giá vàng có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào.
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần qua giảm, nhưng vẫn ở mức trên 1.800 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 24,2 USD/ounce, tương đương +1,37%, còn giá vàng giao tương lai tăng 14,5 USD/ounce, tương đương +0,81%.
Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, giá vàng đang được hỗ trợ mạnh bởi đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và các các chương trình bơm vốn kích thích hồi phục kinh tế từ nhiều ngân hàng trung ương khiến đồng nội tệ mất giá. Giá vàng tăng một phần do lãi suất trái phiếu của Mỹ tiếp tục giảm khi nhà đầu tư ít hoặc không phải chịu chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường quốc tế, sau 5 tuần tăng liên tiếp, vàng đã vượt 1.800 USD một ounce vào tuần trước và các chuyên gia dự đoán đà tăng vẫn chưa kết thúc.
Theo cuộc khảo sát hàng tuần của Kitco, phần lớn nhà phân tích phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng việc phá vỡ mốc 1.800 USD đã tạo nên động lực đáng kể cho giá vàng.
Trong kết quả thăm dò, 15/17 chuyên gia phố Wall cho rằng giá vàng sẽ tăng tiếp trong tuần này, chỉ có 2 người dự đoán giá giảm. Còn khảo sát từ 1.610 nhà đầu tư nhỏ lẻ cho thấy 67% ủng hộ vàng tăng giá, 14% trung lập và 17% cho rằng giá giảm khi đà phục hồi tại Mỹ chậm lại do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng bán lẻ lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh.
Đề kịch về kịch bản giá vàng liệu có giảm trong thời gian tới,TS Lê Đạt Chí - Khoa Tài chính thuộc UEH (Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) nói: “Những băn khoăn về giá vàng giảm cũng thể hiện trên thị trường thế giới, như vấn đề giảm phát trong kinh tế hay có sự gián đoạn trong thị trường giao ngay vàng vật chất và thị trường vàng giấy (thị trường phái sinh). Rủi ro từ sự gián đoạn này được đánh giá là khá thấp nhưng không có nghĩa không tồn tại.
Đứng trước những khó khăn trong kinh tế, đại diện UEH cho rằng: Một số quốc gia cần sử dụng lượng vàng dự trữ đang được gửi tại các quốc gia lớn như: Mỹ, Anh. Nếu điều này xảy ra có tính hệ thống, sẽ đưa đến sự thiếu hụt về vàng vật chất đảm bảo cho công cụ vàng giấy.
Tuy nhiên theo TS Lê Đạt Chí, hiện tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao dù việc giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ phần lớn trong các nền kinh tế. Đi kèm với thất nghiệp cao là tình trạng tỷ lệ nợ lớn gây ra sự suy giảm kép trong tiêu dùng. Những hoạt động kích thích nền kinh tế đang được nhiều Chính phủ các nền kinh tế lớn đưa ra nhưng vẫn chưa thấy tác động tích cực... lại gây ra những lo ngại trong dài hạn về nguy cơ giảm phát. Nếu điều này diễn ra, vàng sẽ có kịch bản tồi tệ như bao hàng hóa khác.
Như vậy, nếu nhìn về kịch bản giảm giá của vàng, nhà đầu tư có thể ước lượng được xác suất xảy ra cho kịch bản giảm giá vàng khá thấp, để đặt cược cho kịch bản tăng giá của vàng.