Trước những diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ổn định thị trường. Và thực tế cho thấy những giải pháp này đang phát huy hiệu lực, thị trường kim loại quý đang dần đi vào quỹ đạo, từng bước chống hiện tượng đầu cơ, giảm nhập lậu và tiến tới xóa bỏ việc huy động, cho vay bằng vàng.
Lộ trình ba bước
Với việc ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Nghị định 95/2012/NĐ-CP, NHNN khẳng định đây là hai mốc quan trọng chặn đứng tình trạng nhập lậu vàng do vàng có được nhập lậu qua biên giới cũng không có chỗ tiêu thụ vì NHNN đã độc quyền trong khâu dập vàng. Qua đó, tình trạng chảy máu ngoại tệ do nhập lậu vàng cũng không còn nữa. Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, khẳng định: “Từ việc thành công bước đầu là đóng cửa các sàn vàng, chúng tôi hướng đến các giải pháp làm thế nào để vàng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, chặn đứng việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Cũng theo ông Huy, từ tháng 4 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã mua 60,1 tấn vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua trên 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối đồng thời bơm ra một lượng vốn VNĐ nhất định để tăng thanh khoản cho toàn hệ thống, đưa vốn vào nền kinh tế. “Có thể nói, đến nay chúng ta đã đi được gần hết bước 2 trong lộ trình 3 bước tiến tới xóa bỏ tình trạng "vàng hóa, đô la hóa” – ông Nguyễn Quang Huy khẳng định.
Bên cạnh đó, đại diện NHNN nhìn nhận, từ trước tới nay, ngân hàng được huy động, cho vay và mua bán vàng, người dân mua vàng hy vọng giá lên, cùng với đó, ngân hàng lại là nơi gửi vàng an toàn mà có lãi suất, điều đó đã thúc đẩy họ đi mua vàng, thúc đẩy tâm lý vàng hóa. Trong khi đó, ngân hàng có vàng phải trả lãi nên họ phải tìm cách để kinh doanh và trả lãi. Nếu còn tiếp diễn hoạt động này thì không những tình trạng "vàng hóa" sẽ tăng lên mà còn gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng, chính vì thế mà NHNN phải quyết định dừng huy động và cho vay bằng vàng.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/11, tổ chức tín dụng sẽ phải dừng huy động và cho vay vàng. Nhưng nếu "đóng" giao dịch thì từ nay đến thời điểm đó, các ngân hàng cần mua vào 20 tấn vàng để cân bằng thanh khoản và sẽ phải dùng tiền đồng để mua vàng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống khi nhu cầu vốn cuối năm đang lớn. Vì vậy, NHNN quyết định sẽ gia hạn thêm thời gian tất toán nhưng hạn tối đa đến 30/6/2013, các tổ chức tín dụng sẽ không được huy động vàng nữa. Trong thời gian đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua vàng, huy động vàng, thu nợ bằng vàng để giải quyết thanh khoản.
“Cuộc chơi” sắp đến hồi kết?
Tuy không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng vàng lại “hút” một lượng tiền lớn của nền kinh tế. Điều quan trọng là làm sao giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này để chuyển nó thành tiền đưa vào sản xuất kinh doanh phục vụ cho nền kinh tế. Trong một cuộc trả lời báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: với các giải pháp của NHNN, có thể trong vài tháng nữa “cuộc chơi” vàng sẽ kết thúc. Và điều này đang được “nhằm” vào đích 30/6/2013, thời điểm các ngân hàng chính thức ngừng huy động vàng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, sau thời điểm này, thị trường kim loại quý sẽ có một diện mạo mới.
Theo lý giải của NHNN, việc các ngân hàng không huy động vàng sẽ giúp người dân giảm thiểu tâm lý giữ vàng. Các biện pháp của nhà nước sẽ khiến người dân thấy nắm giữ bằng tiền đồng thì có lợi ích kinh tế lớn hơn là bằng vàng, từ đó, người dân sẽ bán vàng cho tổ chức được phép. Quan hệ lúc đó là cung cầu theo kinh tế thị trường.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhận định: việc ngừng huy động vàng sẽ làm giảm áp lực về cân đối cung cầu, khi người dân không được huy động vàng sẽ giảm động lực mua vàng.
Do đó, áp lực trên thị trường sẽ bớt đi, lượng cầu trên thị trường sẽ giảm kéo theo hy vọng giảm áp lực chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước bởi sự chênh lệch này phụ thuộc nhiều vào quản lý nhà nước, phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu NHNN nhận thấy kế hoạch ngừng huy động vàng có tác dụng hữu hiệu trong việc giảm thiểu hiện tượng "vàng hóa" thì nên thực hiện sớm để đem lại sự ổn định cho thị trường. Thực tế, giao dịch vàng trên thị trường Việt Nam thời gian qua đã quá tràn lan, cả thị trường chính thống và không chính thống, do đó, dừng huy động vàng sẽ giúp thu hẹp quy mô huy động, giao dịch vàng, NHNN sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ với thị trường. Đây là bước đầu rất cần thiết để tái cấu trúc thị trường vàng.
Người dân sẽ gửi vàng ở đâu?
Chính sách điều hành thị trường vàng sẽ như thế nào sau sau ngày 30/6/2013, người dân nếu muốn thì sẽ gửi vàng ở đâu... là những câu hỏi lớn đang được đặt ra và cũng là cũng là băn khoăn chung của rất nhiều người dân trước thông tin các ngân hàng sẽ ngừng huy động vàng.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau khi các ngan hàng chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. NHNN cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế có liên quan đến vàng bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân, chuyển nhượng, mua bán, cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế...
Còn theo đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ngân hàng thương mại sử dụng tiền chứ không phải vàng, do đó, dừng huy động vàng là hợp lý. Vấn đề đặt ra là sau thời điểm ngừng huy động vàng, một lượng vàng lớn sẽ nằm tồn đọng trong dân. Để huy động được khối tài sản này, cần có biện pháp ổn định giá vàng theo sát giá thế giới, khi đó, người dân sẽ bán vàng để tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sau khi các ngân hàng ngừng huy động vàng, việc triển khai sẽ được tiến hành như thế nào, giải pháp này có đạt được mục tiêu NHNN đưa ra hay không vẫn cần xem xét và chờ đợi. Thời gian tới, NHNN nên đưa ra phương hướng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đặt ra nhiều kịch bản khác nhau và các phương án cụ thể cho từng kịch bản.
Đỗ Huyền