Độc quyền giúp chống 'vàng hóa' trên thị trường

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: Hoạt động mua bán vàng nếu có sinh lời chẳng qua là lợi nhuận kinh doanh chuyển từ túi người này sang túi người khác chứ không mang giá trị gia tăng cho nền kinh tế vì Việt Nam không sản xuất vàng mà chỉ buôn bán qua lại. Trong khi đó, thị trường này lại đang hút lượng thanh khoản lớn. Vì vậy, việc độc quyền quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng đã phát huy hiệu quả chống “vàng hóa”.



* Chống “vàng hóa”



NHNN cho biết có thời điểm, riêng vàng gửi vào hệ thống ngân hàng khoảng từ 150 – 180 tấn, cùng với lượng vàng ngoài thị trường thì tương đương khoảng 300 tấn vàng. Nếu quy đổi, sẽ có chừng 15 tỷ USD bị chôn chặt, bởi vàng nằm kho sẽ chẳng khác gì hàng tồn kho ứ đọng. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu số tiền này được đưa vào phát triển kinh tế.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Do trước đây không có quy định cụ thể cho thị trường vàng miếng nên nó cũng được xem như bất kỳ loại hàng hóa khác. Nhất là khi giá không được quản lý, ai cũng có thể mua bán nên dẫn đến tình trạng nhập và xuất lậu vàng bừa bãi. Thành công khi đóng sàn vàng chỉ là bước đầu do chưa đủ pháp lý triển khai các công cụ khác. Vấn đề đặt ra là điều tiết thị trường vàng để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, chặn đứng việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán...



Hiện người dân đã bắt đầu yên tâm với tiền VND, ít lo mất giá như trước kia. Từ tháng 4 trở lại đây, hệ thống NH đã mua lại 40 tấn vàng, trên 10 tỷ USD từ thị trường. Việc hút USD về, bơm tiền VND ra tạo thanh khoản trong hệ thống và huy động tín dụng tăng 17,5%. Trong khi huy động VND của dân cư tăng 23,5% - không kém những năm kinh tế phát triển ổn định thì huy động USD giảm sút. Điều này chứng tỏ chính sách tiền tệ đúng hướng đã đưa vị thế của VND trở nên hấp dẫn hơn.



Dưới sự điều hành của NHNN, thị trường đã đi đúng hướng, dừng “vàng hóa”, chống USD hóa và quay ngược sang VND. Nhờ sự đổi chiều trên thị trường vàng và USD, lượng tiền bơm ra không nhiều nên không gây lạm phát. Mặt khác, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nên lãi suất cũng liên tục được điều chỉnh giảm. Nhìn lại quý IV năm 2011, thời điểm vô cùng nguy hiểm với các NH khi đẩy nhu cầu sử dụng vốn tăng, huy động tăng trưởng quá nóng. Thị trường mất thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ không phải một vài ngân hàng mà cả hệ thống do cơ cấu sử dụng vốn bất hợp lý. Bởi vậy, bước sang năm 2012, NH phải hút từ ngoại tệ và vàng để chuyển sang tiền VND.



Trước đây, NH được huy động, cho vay, mua bán vàng... đã thúc đẩy tâm lý “vàng hóa”. Các NH có hoạt động vay - cho vay vàng phải trả lãi, nhưng rất bất ổn khi giá vàng biến động. Điều này khiến các NH trở tay không kịp và đã có nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) phải trả giá. Vì vậy, nếu tiếp tục huy động, cho vay bằng vàng sẽ làm “vàng hóa” tăng lên.



Sau khi chấm dứt quan hệ cho vay huy động, chuyển sang mua bán vàng, NHNN tham gia thị trường này như một người kinh doanh vàng. Việc người dân có nhu cầu bán vàng, nếu thấy giá hợp lý, NH sẽ mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, cần có giải pháp giảm hấp dẫn tích trữ vàng.



* Quy về một mối



Hiện nay, một số ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ cho lưu thông vàng SJC là chưa đúng. Trên thị trường, NHNN cho phép lưu thông vàng SJC và các loại vàng khác đã được cấp phép công nhận trước đây như AAA, Rồng vàng... Tuy nhiên, các mác vàng khác sẽ không tiếp tục được dập nữa để thống nhất phát triển một thương hiệu vàng quốc gia là SJC, nhưng NHNN sẽ trực tiếp quản lý việc dập. Việc chuyển đổi là quyền của người sở hữu, nhà nước không bắt buộc người dân phải chuyển đổi.


Trong quá trình nhiều năm khi chưa có quy định cụ thể về quản lý kinh doanh vàng, thị trường lựa chọn tự nhiên thương hiệu vàng SJC. Thương hiệu này chiếm tới 90% thị phần, thống lĩnh thị trường vàng trong nước. Giá vàng SJC kể cả lúc bình ổn vẫn cao hơn giá vàng khác do thương hiệu và chất lượng. Với khối lượng 200 – 400 tấn mà đến 90% là nhãn SJC, việc chọn thương hiệu này là thương hiệu vàng quốc gia sẽ tránh gây xáo trộn trên thị trường; đặc biệt tiết kiệm chi phí chuyển thương hiệu. Với các thương hiệu vàng khác, nếu đúng chất lượng, khi dập sang thương hiệu SJC sẽ chỉ mất tiền chuyển đổi. Nếu sản phẩm không đảm bảo sẽ tính theo chất lượng thực tế. SJC chỉ là công ty kinh doanh vàng, việc mua bán tùy theo nhu cầu thực tế và giá phải theo thị trường.



Trước thông tin phát hiện khoảng 300 lượng vàng giả thương hiệu SJC lưu hành trên thị trường, NHNN khuyên người dân phải bình tĩnh. Trước đây, cả SJC và 8 thương hiệu cùng dập vàng miếng với số lượng lên tới 8 – 10 tấn vàng/ngày nhưng không có ai quản lý thị trường này. Bởi vậy, chất lượng chủ yếu do các doanh nghiệp tự khẳng định bằng uy tín và thương hiệu, nên phải chấp nhận thực tế vàng miếng không có chuẩn mực đồng đều nhau. Tuy nhiên, khi thống nhất đầu mối quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng thuộc trách nhiệm của NHNN sẽ phải nâng cao chất lượng thẩm định. Sắp tới, theo Nghị định 24 về cấp phép kinh doanh vàng miếng, sẽ chỉ cấp phép cho các đơn vị có cơ sở vật chất hiện đại…



Những biện pháp đang được NHNN áp dụng trước mắt là làm vỏ bọc chống giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích của đất nước. Nếu để vàng nhái thương hiệu vàng quốc gia tồn tại đồng nghĩa với việc khuyến khích vàng lậu. NHNN cũng cho biết, hiện tình trạng nhập lậu vàng vào Việt Nam đã bị chặn đứng và hầu như không còn. Số vàng nguyên liệu nếu có vào cũng không thể tiêu thụ được do vàng miếng trong nước đã thống nhất về một thương hiệu chung SJC và NHNN chính là đơn vị trực tiếp độc quyền quản lý và dập thương hiệu loại vàng miếng này. Nhờ đó, tỷ giá trong nước cũng duy trì được sự ổn định.

 



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN