Trong vòng 10 năm qua, ngành công nghiệp sản xuất ximăng Việt Nam càng ngày càng bộc lộ tình trạng thừa cung với hiệu quả đầu tư thấp và kinh doanh thua lỗ. Trước tình hình trên, Hiệp hội đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng các doanh nghiệp (DN) ximăng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI).
Càng đầu tư càng lỗ
Theo VAFI, trong thời gian qua, các nhà quản lý tại các DN ximăng, các Tổng công ty nhà nước, các địa phương đã luôn hăng hái với các dự án đầu tư nhà máy xi măng mới mà không tính đến nhu cầu ximăng trong nước. Khi bị ảnh hưởng lạm phát, biến động tỷ giá, dẫn đến vốn đầu tư tài chính vượt quá khả năng chi trả, hiệu quả đầu tư thấp. Theo đó, hệ quả các DN ximăng luôn luôn gặp phải tình trạng vay nợ nhiều, đáng lo ngại tổng nợ vay ngân hàng thường cao gấp 4 đến 6 lần vốn tự có của DN.
Đến thời điểm hiện tại, công suất ngành ximăng dư thừa khoảng 20 triệu tấn. Theo phân tích của VAFI, nguyên nhân là do cung vượt xa cầu, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm đi và giá bán giảm. Mặt khác, do vay nợ nhiều, trong đó có nợ vay ngoại tệ. Theo đó, chi phí tài chính tăng lên từ lãi xuất cao cộng với biến động tỷ giá lớn trong các năm gần đây dẫn đến thu lỗ nặng…
Nhận thấy, mức độ rủi ro của ngành xi măng ngày càng tăng cao, đặc biệt rủi ro do cung vượt cầu, do nợ lớn và hiệu quả kinh doanh kém… Vì thế, cách đây 5 năm, các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp đã ngừng đầu tư hay thoái vốn khỏi các DN sản xuất xi măng. Thậm chí, nhiều ngân hàng nước ngoài cũng đã cảnh giác cho vay đầu tư nhà máy xi măng, đa phần không đồng ý cho vay trừ khi chỉ có bảo lãnh của chính phủ.
M&A để giải cứu doanh nghiệp
VAFI cho rằng, để đối phó với tình hình trên, các DN sản xuất ximăng buộc phải tái cơ cấu và mua bán sát nhập DN (M&A). Theo đó, trong vòng 3 năm qua, đã và đang có khoảng 10 thương vụ M&A nhằm giải cứu DN.
Đa phần, những thương vụ M&A đều tập trung ở các DN xi măng có quản trị kém, nợ nhiều và lâm vào tình cảnh phá sản. Thậm chí, có Nhà máy sản xuất ximăng thuộc tập đoàn tư nhân lớn, không lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính song hiệu quả kinh doanh thấp nên Công ty mẹ cũng đã quyết định thoái vốn để tập trung nguồn lực tài chính, chất xám vào những mảng kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, nhà máy ximăng Hòa Phát.
Tuy nhiên, không phải DN ximăng nào cũng có thể thực hiện các thương vụ M&A. Bởi với nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chứng khoán thì lĩnh vực sản xuất ximăng vẫn còn nhiều rủi ro. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu đầu tư vào những cổ phiếu ximăng bây giờ, giá có thể rẻ nhưng khó biết đến bao DN mới có khả năng trả hết nợ gốc và có lãi ở mức có khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông?
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay sẽ không còn nhà đầu tư chiến lược trong nước có tiềm lực tài chính mạnh để mua lại các nhà máy ximăng ốm yếu. VAFI cho rằng, chỉ có nhà đầu tư FDI mới có thể giải cứu được DN ximăng trong tình trạng hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong vài thương vụ M&A gần đây, đã xuất hiện các nhà đầu tư FDI đến từ các nước ASEAN. Nguyên nhân, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á giai đoạn 1997 – 2001 đã làm cho các nhà đầu tư ASEAN có 1 bài học hết sức sâu sắc là phải đầu tư thận trọng theo phương châm: Cầu tới đâu thì đầu tư đến đó. Và với thị trường ASEAN, trong giai đoạn này thì nguồn cung trong nước thiếu.
Với chính sách đẩy mạnh tiêu dùng trong nước của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonexia, Philippines thì TTCK tại những nước này tăng trưởng liên tục trong các năm qua, đồng nghĩa với việc các DN trong các nước đó dễ dàng thu hút được vốn cổ phần với giá rẻ. Đó là những lý do giải thích vì sao, các nhà đầu tư FDI của ASEAN quan tâm tới ngành ximăng Việt Nam.
Cũng theo VAFI, các nhà đầu tư FDI mua cổ phần đa số của công ty xi măng trong nước qua hình thức tăng vốn điều lệ hoặc vừa bán bớt 1 tỷ lệ cổ phần của chủ sở hữu vừa tăng vốn điều lệ. Có thể thấy, Dự án xi măng Thăng Long đã thu hút khoảng gần 5.000 tỷ đồng từ vốn FDI, tương tự dự án xi măng Cẩm Phả dự kiến thu hút trên 3.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn như vậy, 2 DN trên đã cơ cấu được tình trạng tài chính và giúp chủ đầu tư thoát khỏi gánh nặng nợ khổng lồ.
Hải Yên