“Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%”, ông Thái cho hay.
Cũng theo ông Bùi Quang Thái, giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã giải ngân 2.227 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) giải ngân 11.199 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm.
Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân gần 98 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm. Các dự án ODA giải ngân xấp xỉ 485 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm. Các dự án trong nước khác giải ngân 2.997 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ với giá trị giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ Giao thông vận tải.
"Các chủ đầu tư khác tiến độ giải ngân đã có chuyển biến trong tháng 3 nhưng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Sở Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lào Cai; có 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.
Riêng dự án tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột do Ban quản dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk là chủ đầu tư có khối lượng và công địa thi công, song, tiến độ triển khai chậm, từ đầu năm đến nay chưa thực hiện giải ngân”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Nhận định thời gian tới tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến khó lường, tốc độ tăng lạm phát vẫn ở mức cao, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá cát khu vực miền Trung, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lường trước các khó khăn, xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng đạt 99,97%.