Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh, Trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu". Thiên tai và thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, đang tác động nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, cộng đồng dân cư với quy mô và mức độ chưa từng thấy.
Với đặc điểm địa lý có bờ biển dài, nằm trong vành đai bão nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 20/21 loại hình thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2011 - 2022, thiệt hại về kinh tế do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên về nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng.
Mới đây, Chính phủ vừa duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đề án dự kiến được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha đến năm 2030, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2025 củng cố 180.000 ha của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT; giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030 mở rộng ra trên 820.000 ha.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững…
Tổng nguồn vốn dự kiến cho Dự án 1 triệu ha lúa phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 650 triệu USD; trong đó nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới chiếm 61,5%, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 21,5%, còn lại là nguồn tín dụng và một số nguồn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang hợp tác triển khai thực hiện đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là một trong những đồng bằng chịu tác động nặng nề nhất do nước biển dâng, biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thách thức đang phải đối mặt đó là thiếu hụt về nguồn lực tài chính, trình độ, kinh nghiệm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu cấp bách. Theo ước tính, nhu cầu tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 lên đến 100 tỷ USD. Việt Nam mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác tác đa phương với các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Quỹ Khí hậu xanh (GCF); để triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hướng tới mục tiêu thích ứng toàn cầu.