Năm 2013 là năm bản lề cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Với mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, hoàn toàn có khả năng các ngành sản xuất công nghiệp phục hồi trở lại, dẫn đến nhu cầu điện cho phát triển kinh tế sẽ tăng cao hơn năm 2012. Điều này đã đặt gánh nặng lên vai ngành điện khi giải quyết bài toán trên 106.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Công nhân Công ty Điện lực Sơn La đóng điện trạm biến áp cấp điện cho bà con bản Bướt. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Năm 2013, EVN đề ra mục tiêu xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện với tổng giá trị khoảng 106.605 tỷ đồng; trong đó, đầu tư thuần là 75.973 tỷ đồng, tăng 39,65% so với năm 2012; còn lại là trả nợ gốc và lãi vay toàn Tập đoàn. Theo đó, trong năm nay, EVN phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.440 MW và 196 công trình lưới điện từ 110-500 kV; trong đó có các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông; các đường dây 500 kV Phú Mỹ-Sông Mây, Sông Mây-Tân Định; các trạm 500 kV Sông Mây, Cầu Bông và các đường dây 220 kV đấu nối; các công trình cấp bách cấp điện TP Hà Nội. Đồng thời khởi công các dự án NĐ Thái Bình (600 MW); NĐ Vĩnh Tân 4 (1.200 MW); dự án cảng than Duyên Hải; 52 công trình lưới điện 500-220 kV; dự án cấp điện cho các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn....
Năm nay, Tập đoàn sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình có thể hoàn thành dứt điểm trong năm để đưa vào khai thác phát huy ngay hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng theo thiết kế và hợp đồng. Cùng với đó là chú trọng công tác lập kế hoạch, nghiệm thu để giải ngân nhanh các nguồn vốn.
Cũng trong năm 2013, EVN phấn đấu hoàn thành thủ tục và đàm phán với các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài để ký kết khoảng 2,58 tỷ USD cho các dự án điện. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các ngân hàng trong nước đã được Chính phủ chỉ đạo cho các dự án điện vay vốn để vay được khoảng 11.000 tỷ đồng cùng với phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn. EVN cũng xúc tiến giải ngân nhanh các nguồn vốn ODA đã có hiệu lực để vận động các khoản vay ODA mới.
Hiện EVN đang kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn ngân sách nhà nước để EVN có đủ vốn triển khai các dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đối với các dự án điện độc lập (IPP), Bộ Công Thương có trách nhiệm đôn đốc đảm bảo tiến độ vận hành cung cấp điện trong năm 2013.
Trong năm 2012, tổng vốn đầu tư cho ngành điện đạt trên 71.000 tỷ đồng, tăng 20,63% so với năm 2011 và bằng 7,22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện. Nhờ thực hiện được giá trị khối lượng và vốn đầu tư xây dựng lớn trong điều kiện vô cùng khó khăn về vốn đã tăng thêm năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Do đó, năm 2012 cũng là năm đầu tiên hệ thống điện Việt Nam có công suất dự phòng.
Năm 2012, EVN đã đưa vào vận hành 7 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.453 MW gồm: tổ máy 5&6 Thủy điện (TĐ) Sơn La, TĐ Đồng Nai 4, TĐ Kanak và tổ máy 1 – Nhiệt điện (NĐ) Quảng Ninh 2. Riêng công trình TĐ Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, công suất 2.400 MW đã khánh thành vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: tổ máy 2 NĐ Ô Môn 1 - TM2, NĐ Duyên Hải 3 và TĐ Trung Sơn, với tổng công suất gần 1.800 MW. Các dự án NĐ Nghi Sơn 1, Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 đều bám sát mục tiêu tiến độ. Các dự án TĐ cũng hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2012.
Đồng bộ với các công trình nguồn, EVN còn hoàn thành đóng điện 147 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm 7.010 MVA và 2.078 km tổng chiều dài đường dây xây mới, cải tạo nâng cấp…
Mai Phương