Đây là mục tiêu và cũng là yêu cầu mà Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh với các tỉnh, thành phía Nam những ngày vừa qua.
Khẩn trương thu hoạch đúng tiến độ
Tuần qua, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thị sát thực tế tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ. Tại các địa phương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa Hè Thu đã chín.
Về trái cây, hiện nay nhu cầu xuất khẩu khá lớn, các địa phương và doanh nghiệp cần linh hoạt chủ động nguồn nhân lực để đảm bảo việc thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hiệu quả nhất. Ngành nông nghiệp từng tỉnh, thành phố cũng phải lên được danh sách đầu mối, sản lượng và thời gian cung ứng các loại trái cây để xây dựng phương án điều tiết tiêu thụ tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Trong bối cảnh hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã đề xuất với UBND tỉnh cho phép thương lái từ đây đến hết tháng 8/2021 có thể đi thu mua lúa của bà con trên địa bàn cả ban đêm để giải quyết tiêu thụ nông sản. Tỉnh An Giang cũng đã thành lập Tổ phản ứng nhanh và cả đường dây nóng để hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, bất cập trong sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Tháp đã chủ động điều phối các đội máy gặt đập liên hợp và lực lượng thu hoạch giúp nông dân vùng dịch thu hoạch lúa kịp thời vụ. Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, để đảm bảo kiểm soát dịch nhưng vẫn thu hoạch lúa đúng thời vụ, chính quyền địa phương đã tổ chức đội thu hoạch lúa hộ cho các khu vực có ca nhiễm COVID-19. Đối với các khu vực thiếu nhân công, địa phương cũng thành lập các tổ, nhóm thu hoạch dịch vụ để đảm bảo tiến độ và chất lượng lúa gạo.
Đối với việc thu mua trái cây, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ, do nguồn nhân lực của công ty bị hạn chế về việc di chuyển, xét nghiệm COVID-19 nên công ty đã thích nghi bằng cách đào tạo; hướng dẫn nhân công tại địa phương và thành viên hợp tác xã cây ăn trái, ngoài việc thu hoạch, gom về điểm tập kết có thể tự phân loại, sơ chế. Việc này vừa giúp công ty giảm áp lực về khối lượng công việc vừa thúc đẩy tính chủ động cho các hợp tác xã trong việc nâng cao giá trị các sản phẩm mình làm ra.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức
Các doanh nghiệp đều khẳng định, rất mong muốn thu mua nông sản để hỗ trợ cho nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay song khả năng của doanh nghiệp có giới hạn, nên rất cần có các chính sách hỗ trợ để có thêm nguồn lực.
Bà Ngô Tường Vy cho biết, hiện nay sản lượng trái cây vào vụ thu hoạch tại các tỉnh phía Nam rất lớn, việc tiêu thụ tại chỗ chậm nhưng đơn hàng xuất khẩu tốt. Rất nhiều hợp tác xã gọi điện mời công ty mua nhãn, sầu riêng, nhưng khả năng tài chính của doanh nghiệp có hạn. Do đó, rất cần các ngân hàng tạo cơ chế cho vay tín chấp dựa trên lượng hàng tồn kho và giảm lãi suất để doanh nghiệp có thêm nguồn lực thu mua nông sản cho người dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các địa phương cần quan tâm tới lực lượng thu hoạch, sơ chế nông sản như ưu tiên tiêm vaccine, có phương án linh động để lực lượng này được di chuyển từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác và có thể làm việc ngoài khung giờ giới hạn.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, doanh nghiệp rất ý thức phòng chống dịch cho nhân công thu hoạch, sơ chế, bởi đây là lực lượng quyết định năng suất, chất lượng trái cây thu mua được. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể linh hoạt khung giờ làm việc đối với lực lượng này trong thời gian cao điểm thu hoạch trái cây.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp được duy trì tốt nhưng việc thu hoạch và tiêu thụ đang gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của việc siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Do đó, ngành nông nghiệp địa phương phải chủ động nắm chắc lực lượng lao động sản xuất ở đồng ruộng và thu hoạch trái cây, đảm bảo lịch thời vụ, lịch thu hoạch; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh việc hỗ trợ, vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ kịp thời sản xuất.
Về phía Bộ Nông nghiệp tiếp tục tập hợp các đầu mối cung ứng, tiêu thụ cũng như tổ chức các diễn đàn kết nối cung cầu không chỉ trong phạm vi các tỉnh phía Nam mà trên toàn quốc nhằm thúc đẩy luồng lưu thông hàng hóa, nông sản.
Song song đó, ngành nông nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có những chính sách kịp thời kích cầu sản xuất nông nghiệp như thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản thiết yếu phục vụ hỗ trợ đối tượng yếu thế trong các khu vực giãn cách xã hội, công nhân lao động các khu công nghiệp đang ở nhà trọ trong các thành phố lớn cần lương thực, thực phẩm. Đồng thời, sớm có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, cắt giảm các loại chi phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng thu mua, chế biến và bảo quản các loại nông sản.