Do vậy, các Công ty điện lực trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố đã phối hợp với các Sở Công Thương kiểm tra và tư vấn khách hàng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng đối với doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời kết hợp với Sở Công Thương phối hợp với các Trung tâm tiết kiệm năng lượng tổ chức hội thảo và tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.
Các Công ty điện lực còn tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm; Hỗ trợ tư vấn miễn phí cho khách hàng sử dụng điện, đào tạo đội ngũ kiểm toán viên năng lượng cơ bản để tư vấn khách hàng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cùng với việc giới thiệu các mô hình tiết kiệm điện (TKĐ) trong sử dụng điện sản xuất, các giải pháp công nghệ TKĐ, các Công ty điện lực còn thực hiện thí điểm, đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình hay, kiểu mẫu về TKĐ.
Với Chương trình “Tuyên truyền dán nhãn năng lượng”, ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, các Công ty điện lực phối hợp các nhà cung cấp thiết bị điện dân dụng trang trí và lắp đặt tại quầy trưng bày tại các Phòng Giao dịch của các Công ty điện lực/Điện lực để giới thiệu các thiết bị điện phổ biến. Các Công ty điện lực/Điện lực không chỉ tuyên truyền quảng bá các thiết bị điện dân dụng có dán nhãn năng lượng, hướng dẫn người dân cách nhận biết nhãn năng lượng mà còn rà soát các thiết bị điện thuộc khu vực văn phòng như đèn chiếu sáng, máy lạnh, quạt, máy in… có hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều điện năng để thay thế dần các thiết bị có dán nhãn năng lượng từ bốn sao trở lên.
Đặc biệt, với Chương trình “Cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO”, EVN SPC đưa ra mô hình hoạt động phù hợp và xây dựng các hành lang pháp lý cho mô hình ESCO - công ty cung cấp dịch vụ năng lượng tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, phân tích mô hình hoạt động ESCO trong một số đề án cụ thể để đánh giá hiệu quả, những khó khăn rào cản khi thực hiện và có những giải pháp giải quyết vấn đề nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là TKĐ. Từ đó mở rộng mô hình hoạt động ESCO trong lĩnh vực chiếu sáng với mục tiêu TKĐ cho thành phần phụ tải kinh doanh, dịch vụ, du lịch thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Riêng năm nay, Tổng công ty thực hiện 5 hợp đồng qua hình thức kết nối giữa nhà đầu tư và khách hàng thông qua giải pháp ESCO.
Tổng công ty cũng đang triển khai Dự án “Đầu tư Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại nhà điều hành và trạm 110 kV thuộc EVN SPC quản lý”. Cụ thể như đầu tư giai đoạn 1 gồm 148 dự án, công suất dự kiến 5,5 MWp, với vốn dự kiến 150 tỷ đồng; giai đoạn 2 triển khai theo mô hình ESCO, gồm 212 dự án, công suất dự kiến 7,3 MW, vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng. Ông Tuấn cho hay.
Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực An Giang, ông Nguyễn Đông Hồ, thông qua tuyên truyền, công ty đã vận động khách hàng trên địa bàn có tiềm năng lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái cho các hộ gia đình nhằm đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải sinh hoạt tại gia đình. Đồng thời công ty khuyến khích đầu tư, kêu gọi hỗ trợ từ nhà cung cấp để khách hàng áp dụng năng lượng mặt trời áp mái cung cấp điện cho các thiết bị sinh hoạt trong gia đình. Hay cung cấp cho khách hàng thông tin, danh sách nhà đầu tư để chọn lựa công nghệ và nhu cầu đầu tư phù hợp. Mục tiêu là đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh khách hàng đầu tư năng lượng mặt trời áp mái sẽ đạt tổng công suất hơn 3.350 kWp.
Về Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long”, các Công ty điện lực trong khu vực tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền mô hình TKĐ trong nuôi tôm đã được thí điểm mang lại hiệu quả trong năm 2016-2017. Về phía EVN SPC phối hợp với các nhà cung cấp triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kết hợp với mô hình thí điểm thay thế con lăn đã thực hiện trong năm 2017 nhằm tối ưu hóa chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả tốt nhất trong tiết kiệm năng lượng.
Mục tiêu của chương trình này là giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đầu tư; Quảng bá giải pháp TKĐ trong nuôi trồng và sản xuất thủy sản, giảm chi phí đầu vào cho hộ nuôi tôm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm... Giải pháp này cũng thể hiện trách nhiệm của ngành điện với khách hàng.
Ngoài ra, EVN SPC còn đang triển khai tiếp Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng hoa Cúc tại Lâm Đồng”. Mục tiêu của chương trình này là thúc đẩy việc sử dụng đèn Led trong khu vực trồng hoa Cúc; phù hợp với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi ích tiết kiệm năng lượng qua sử dụng thiết bị thiết bị điện hiệu suất cao trong sản xuất, tiêu dùng; giúp cho các hộ nông dân giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm áp lực về đầu tư trong cung cấp điện ở những khu vực trồng hoa Cúc.
Trên thực tế, việc triển khai thực hiện các giải pháp TKĐ không những tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình, chi phí cho doanh nghiệp, mà còn giảm áp lực đầu tư nguồn điện để cung ứng điện trên địa bàn, tiết kiệm chi phí cho xã hội và góp phần bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Tổng công ty Điện lực miền Nam trong năm nay là tiết kiệm 1,5% sản lượng thương phẩm trên tổng sản lượng điện thương phẩm cả năm là 73,35 tỷ kWh. Đây là chỉ tiêu đã được EVN SPC đề ra và triển khai thực hiện từ năm 2016.