Xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang có hơn 14.000 người, trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 50% dân số. Để phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, địa phương chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cải thiện thu nhập, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả.
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết, sinh kế của đồng bào Khmer địa phương chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Trong gần 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã có nhiều diện tích đất giồng cát trồng lúa không hiệu quả, năng suất rất kém do thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô.
Chính vì vậy, để cải thiện thu nhập cho bà con Khmer, thời gian quan địa phương rất tích cực vận động người dân đưa cây màu xuống chân ruộng; đặc biệt là hộ nghèo còn được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trong 3 năm gần đây, toàn xã đã chuyển đổi 165 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau màu và nuôi thủy sản. Hầu hết các mô hình đều cho hiệu quả cao hơn gấp 3 lần/vụ so với trồng lúa trước đó.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn được kéo giảm đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, xã giảm khoảng 200 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.
Để việc chuyển đổi được bền vững, cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật trên những cây trồng, vật nuôi mới, địa phương tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để giúp nông dân có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định.
Gia đình bà Thạch Thị Sô Kha, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang vừa thoát nghèo năm 2020. Trong căn nhà vừa xây hơn 280 triệu đồng, bà Sô Kha cho biết, gia đình bà chỉ có 1.000 m2 đất sản xuất. Hơn 5 năm trước, được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi 10 triệu đồng để phát triển sản xuất, gia đình bà đầu tư nuôi bò sinh sản và cải tạo đất lúa để trồng màu. Bên cạnh đó, các con của bà được hỗ trợ giải quyết việc làm. Nhờ vậy, thu nhập gia đình bà đã được cải thiện nhiều, cuộc sống hiện nay khá ổn định.
Đưa cây màu xuống chân ruộng cũng là cách làm giúp gia đình nông dân Nguyễn Văn Vũ, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang tăng thu nhập gấp 3 lần/vụ so với trồng lúa trước đó. Ông Vũ chia sẻ, gia đình có 6 công đất canh tác (1 công=1.000m2), trước đây độc canh cây lúa. Do thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô nên năng suất lúa chỉ đạt 500 kg/công/vụ, sau khi trừ chi phi, lợi nhuận chỉ khoảng 1-1,5 triệu đồng/công. Năm 2014, ông được địa phương vận động đưa cây màu xuống chân ruộng để tăng hiệu quả sản xuất. Từ nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách của tỉnh, gia đình ông chuyển sang canh tác 1 vụ lúa, 2 vụ màu. Kết quả, lợi nhuận mỗi vụ màu thời gian qua luôn đạt từ 5-8 triệu đồng/công.
Vụ Đông Xuân 2020-2021 này, gia đình ông Vũ trồng 5 công dưa hấu giống Thành Đạt Nông, sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Thời tiết thuận lợi nên ông dự đoán năng suất vụ dưa này sẽ đạt cao, tăng khoảng 2 tấn/công so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, năm 2020, tỉnh Trà Vinh có thêm 2.500 ha đất trồng lúa chuyển đổi sang cây hàng năm, lâu năm hoặc nuôi thủy thủy sản. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 20.000 ha đất trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác. Hầu hết các mô hình chuyển đổi đều tăng hiệu quả nhiều lần so với trồng lúa trước đó.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục chuyển đổi 8.108 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Từ năm 2025-2030, tỉnh dự kiến chuyển đổi tiếp gần 4.400 ha. Các cây trồng được chuyển đổi phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, ổn định và bền vững; cơ sở hạ tầng địa phương đáp ứng được. Đồng thời, có thể phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khu cần thiết.
Theo đó, tình hoàn chỉnh hạ tầng ở những địa phương chuyển đổi. Ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi, thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hợp tác sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh cũng nghiên cứu, chọn tạo, ứng dụng các giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng biến đổi khí hậu và chống chịu sâu bệnh, ứng dụng các quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, tuần hoàn, kết hợp… để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy tối ưu hiệu quả của từng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Cùng với đó, Trà Vinh xây dựng giải pháp tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Tỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương và địa phương ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Để nông sản chuyển đổi có thị trường bền vững, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Theo ông Phạm Minh Truyền, Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu; nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh; trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất. Mùa khô 2015-2016, hạn mặn khiến cây lúa bị thiệt hại khoảng 910 tỷ đồng; mùa khô 2019-2020, cây lúa tiếp tục bị thiệt hại 919 tỷ đồng, chiếm gần 92% tổng thiệt hại do hạn, mặn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.