Thị trường sôi động vào những tháng cuối năm là thời điểm các loại thực phẩm kém chất lượng "tung hoành". Nếu không kiểm soát chặt thì TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành nơi tiêu thụ các loại sản phẩm kém chất lượng.Vi phạm gia tăngGần đây, tại các trạm kiểm dịch động thực vật ở TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện các loại động thực vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ các tỉnh "tuồn" vào thành phố tiêu thụ. Riêng những ngày cuối tháng 11, trạm Thú y Thủ Đức đã phát hiện 10 trường hợp vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Từ đầu năm đến nay trạm này cũng đã tiến hành xử phạt hành chính 255 trường hợp với số tiền gần 700 triệu đồng, tiêu hủy trên 11.000 kg sản phẩm gia súc, gia cầm.
Không để các loại thực phẩm kém chất lượng vào thành phố. |
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là nơi tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm lớn của cả nước, nhưng việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Hiện nay đối với nguồn cung tại chỗ, thành phố có thể quản lý được, còn đối với các loại gia súc, gia cầm từ các tỉnh đưa vào thì vẫn còn gặp khó khăn. Các đối tượng vận chuyển luôn tìm đủ mọi cách để qua mặt các lực lượng chức năng như vận chuyển bằng xe du lịch, đi vào các con đường tắt hoặc chở bằng xe máy...
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Trong 9 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 48 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt 41 cơ sở với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng, đình chỉ 4 cơ sở, tiêu hủy số lượng lớn trứng gia cầm, gia vị, phụ phẩm không rõ nguồn gốc không nhãn mác của 15 cơ sở vi phạm. Sở Công Thương thành phố cũng đã xử phạt 98 cơ sở và 484 vụ kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm như trái cây tươi, mực khô, bột ngọt không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng, tiêu hủy gần 8 nghìn kg thực phẩm quá hạn sử dụng như bánh kẹo, cánh gà đông lạnh, nước giải khát...
Kiểm soát chặt đầu vàoBăn khoăn về những khó khăn trong công tác xử lý vi phạm đối với các loại mặt hàng thực phẩm tươi sống, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện chúng ta chưa có quy định rõ ràng trong việc tạm giữ các lô hàng thực phẩm tươi sống nên rất khó cho các đơn vị xử lý. Các đơn vị xử lý khi có nghi ngờ chỉ có thể lấy mẫu kiểm tra và để cho lô hàng đó đi. Nếu chẳng may lô hàng đó không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì trong thời gian chờ đợi kết quả lô hàng đó đã được phân tán trên thị trường.
Theo ông Phan Xuân Thảo, để có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào thì không thể chỉ có kiểm tra phần ngọn mà phải cả phần gốc. Thành phố cần phải liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành để kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm động vật nhập về thành phố.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ Tết, Sở Y tế đang phối hợp với ngành công thương, nông nghiệp và các quận huyện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu Tết như rượu, bia, bánh kẹo, chả giò, hạt dưa, lạp xưởng, các loại rau củ quả…
|
Gần 80% sản phẩm rau củ, quả cung cấp cho người dân thành phố được nhập về từ các tỉnh thông qua 3 chợ đầu mối. Nói về việc kiểm định chất lượng đầu vào của các mặt hàng này, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh khẳng định, trước đây chỉ kiểm soát được phần ngọn nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, nhưng kể từ khi thực hiện kiểm soát theo chuỗi, việc kiểm định chất lượng đầu vào được thực hiện nghiêm ngặt. Chất lượng đầu vào của các loại thực phẩm này cũng được nâng cao. Cụ thể, trong 20 mẫu rau, củ quả, được chi cục lấy ngẫu nhiên tại 22 cơ sở chế biến kinh doanh, khi phân tích định lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chỉ phát hiện 1 mẫu có dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phép. Riêng tại 3 chợ đầu mối, khi tiến hành kiểm tra nhanh gần 5.000 mẫu vẫn không phát hiện sản phẩm nào vi phạm.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng từ các tỉnh, thành phố cũng cần phải kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất trên địa bàn và tại các chợ bán lẻ. Việc này phụ thuộc vào sự giám sát của các quận huyện, bởi các quận huyện là đơn vị nắm địa bàn rõ nhất. Song song với các biện pháp quản lý, cần phải tuyên truyền cho người dân nhằm “tẩy chay” những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của bà con tiểu thương trong việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài và ảnh: Đan Phương