Qua đó, các nhà khoa học Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhận định, nếu như ảnh viễn thám ngày 5/7 cho thấy chưa xuất hiện lũ, trong khi các ngày 11/7 và 17/7 đã xuất hiện lũ tại thượng nguồn do lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm kết hợp kỳ triều cường, làm cho mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh.
Ảnh viễn thám ngày 4/8 cho thấy lũ thượng nguồn tiếp tục lan rộng, một số khu vực thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An đã bị ngập. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước cao nhất đo được ngày 7/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu (An Giang) là 3,26 m, dưới báo động 1 là 0,24 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) là 2,59 m, dưới báo động 1 là 0,41 m. Còn ảnh viễn thám ngày 16 và 22/8 cho thấy lũ đã lan rộng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.
Do mực nước dâng cao, ngày 31/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang quyết định xả lũ 2 đập Tha La và Trà Sư, sớm hơn 3 ngày so với dự kiến. Ảnh Sentinel-1 ngày 3 và 9/9 cho thấy các khu vực bị ngập lan rộng hơn so với trước đó (ghi nhận bởi ảnh ngày 28/8 là thời điểm chưa xảy ra xả đập).
Các kết quả thu được từ ảnh vệ tinh viễn thám radar đã chứng minh một cách rõ ràng là năm 2018, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lũ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có diễn biến phức tạp. Bằng cách sử dụng ảnh viễn thám radar có thể xác định được các khu vực ngập lũ một cách nhanh chóng và rất chính xác để các địa phương trong vùng chủ động phòng chống, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ gây nên.