Các điểm trông giữ phương tiện tại 4 khu vực gầm cầu: Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Dịch Vọng do Công Ty TNHH Một Thành Viên Khai Thác Điểm Đỗ Xe Hà Nội quản lý, khai thác trước mắt đã giải quyết nhu cầu cấp thiết gửi, đỗ xe của người dân, đặc biệt cho khu vực phố cổ để tổ chức các tuyến phố đi bộ và trước cổng bệnh viện Bạch Mai.
Đề xuất được trông giữ xe dưới gầm cầu
Trước việc 4 điểm trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên đã hết thời hạn được cấp phép trông giữ, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 549/QÐ-UBND đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT – BGTVT của Bộ cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu đến hết năm 2023, phục vụ nhu cầu gửi phương tiện của các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch với các cơ quan, đơn vị và khi tổ chức những hoạt động khác của thành phố.
Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ 1/12/2017 quy định: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác".
Tại Điều 1; Mục 3 của Thông tư 35/2017/TT - BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2015/TT - BGTVT) quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 1/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao. Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ năm 2003 - 2016, Sở đã cấp phép cho các đơn vị tổ chức 4 điểm trông giữ xe gồm: gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Chương Dương, dưới cầu vượt ngã tư Vọng và điểm gầm cầu vượt Mai Dịch. Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho thành phố trong suốt quá trình xem xét, cấp phép, quản lý các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Các vị trí tổ chức trông giữ phương tiện nêu trên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Sau khi đáp ứng đủ yêu cầu, Sở mới đề xuất thành phố cấp phép. Việc 4 điểm này phải dừng hoạt động theo tinh thần của Thông tư số 35/2017/TT - BGTVT sẽ khiến thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết giao thông tĩnh cho khu vực này.
Lý giải trông xe dưới gầm cầu
Lý giải việc đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT - BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, nhu cầu về giao thông tĩnh của người dân ở các khu vực nội đô rất lớn trong khi đó việc bố trí điểm giao thông tĩnh lại khó khăn do thiếu quỹ đất. Việc tổ chức khai thác trông giữ phương tiện ở 4 vị trí gầm cầu nêu trên cũng đã ổn định, an toàn trong nhiều năm qua. Do đó, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh Ðiều 1; Mục 3 của Thông tư số 35/2017/TT - BGTVT cho phép Hà Nội được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023, để phục vụ nhu cầu về nơi gửi xe của người dân.
Hiện nay, một số ý kiến lo ngại việc sử dụng gầm cầu vượt làm điểm trông giữ xe cộ sẽ gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là giờ cao điểm, chưa kể đến nguy cơ cháy nổ cao khi nhiều phương tiện được để chung một chỗ. Ngoài ra, việc tu sửa, bảo trì dầm cầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu dùng gầm cầu làm điểm gửi xe, gây nên tình trạng mất an toàn công trình.
Có ý kiến lại cho rằng, để giải quyết vấn đề giao thông tĩnh cho nội đô, Hà Nội đang yêu cầu các dự án xây dựng chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại khi xây dựng phải thiết kế tầng hầm để xe. Dưới các gầm cầu cũng là những khu vực tập trung nhiều phương tiện, do đó giải pháp tình thế có thể tận dụng để trông giữ phương tiện trong khi thiếu bãi trông giữ. Nhưng, các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình, phòng chống cháy nổ phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn cũng cho biết, cùng với đề xuất điều chỉnh Thông tư 35, thành phố cũng cam kết bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các vị trí trông giữ này. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, chính quyền các quận giải tỏa những điểm trông giữ xe không phép dưới một số gầm cầu còn lại; tăng cường xử lý các vi phạm trong việc trông giữ phương tiện trên địa bàn để bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục yêu cầu đơn vị được giao quản lý các điểm trông giữ xe đưa công nghệ cao vào ứng dụng nhằm quản lý tốt hơn, minh bạch hơn dịch vụ trông giữ xe tại các điểm này.
Trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn tiếp tục gia tăng trên địa bàn Hà Nội, các bến bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng, việc kêu gọi xã hội hóa còn gặp khó khăn. Hà Nội đã cố gắng trong việc tận dụng mọi vị trí có điều kiện trông giữ phương tiện để cấp phép trông giữ tạm thời đáp ứng nhu cầu gửi đỗ xe của người dân.
Trông giữ xe dưới gầm cầu là giải pháp tình thế, nhưng trong khi chờ các bãi trông giữ phương tiện trong quy hoạch đi vào cuộc sống, thì đây cũng là một giải pháp có điều kiện để giải quyết nhu cầu cấp bách trông giữ phương tiện cho người dân trong khu vực nội đô.