Giúp dân nghèo vùng cao thoát nghèo từ 'Ngân hàng bò'

Sau một năm thực hiện dự án “Ngân hàng bò” tại 5 xã và thị trấn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là xã Pá Lau, Pá Hu, Xà Hồ, Trạm Tấu và thị trấn Trạm Tấu với số lượng là 100 con, các hộ được hưởng lợi từ dự án đang rất phấn khởi, yên tâm chăn nuôi, sản xuất. Đây chính là cơ hội giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Trạm Tấu là một trong hai huyện đặc biệt khó khăn của Yên Bái. Giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa tập quán sản xuất nông nghiệp của bà con còn lạc hậu.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân của xã rơi vào cảnh nghèo khó là do thiếu phương tiện sản xuất. Giá con trâu, con bò lại quá cao khiến các hộ dân không đủ điều kiện để mua. Dự án “Ngân hàng bò” được đưa vào triển khai đã trang bị phương tiện sản xuất cho bà con trong xã.

“Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng sống” này.

Mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng 1 con bò giống. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 1 năm tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Gia đình vợ chồng anh Sùng A Tông và chị Thào Thị Giàng là một trong những hộ thuộc diện nghèo nhất của xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên bái). Năm nhân khẩu của gia đình chỉ biết trông vào diện tích ruộng ít ỏi, nên làm quanh năm vẫn không đủ ăn. Niềm vui đã đến với gia đình khi dự án “Ngân hàng bò” được triển khai thực hiện tại huyện Trạm Tấu. Qua bình xét, hộ gia đình anh Sùng A Tông được Hội Chữ thập đỏ giao cho một con bò giống về nuôi đồng thời được tập huấn về kiến thức chăn nuôi bò sinh sản.

Anh Sùng A Tông bày tỏ: Được trao bò, gia đình anh mừng lắm. Đây là điều anh mơ ước từ lâu lắm rồi. Từ khi có bò, anh đã trồng rất nhiều cỏ ở trên nương, làm chuồng trại thật chắc để chăm sóc bò cho tốt. Có như vậy mới phục vụ sản xuất được. Từ giờ nhà mình không sợ bị đói, bị khổ nữa.

Theo bà Hoàng Thị Làng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái, với những hiệu quả thiết thực đem lại từ dự án “Ngân hàng bò”, từ nay đến cuối năm, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 100 con bò cho hộ nghèo ở huyện Mù Cang Chải. Mỗi con bò hỗ trợ trị giá 10 triệu đồng.

Đến thời điểm này, dự án “Ngân hàng bò” không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo trên cả nước nói chung và tỉnh Yên bái nói riêng mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái. Hy vọng trong thời gian tới ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng ở các xã khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.


TTXVN/Tin tức

Cao Bằng phát triển chăn nuôi bò thịt
Cao Bằng phát triển chăn nuôi bò thịt

Nghề chăn nuôi bò ở Cao Bằng tập trung chủ yếu ở các huyện vùng núi cao, có đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Nguyên Bình…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN