Giúp người dân thoát nghèo

Tại huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình những năm gần đây, Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đã triển khai nhiều biện pháp giúp nhân dân thoát nghèo, ổn định, phát triển kinh tế.


Một trong những dự án giúp người dân giảm nghèo là liên kết và tiêu thụ sản phẩm trong trồng mía, gừng tại ba xã Cao Sơn, Vầy Nưa và Đồng Chum huyện Đà Bắc. Trong đó xã Cao Sơn và Vầy Nưa thu hút được 116 hộ với 28 ha tham gia liên kết trồng mía với thu nhập bình quân 90 triệu đồng/ha; xã Đồng Chum với 264 hộ tham gia trồng 41,5 ha gừng, bình quân thu nhập 136 triệu đồng/ha.

 

Nhờ cây mía mà nhiều hộ gia đình ở xã Cao Sơn (Hòa Bình) đã vươn lên thoát nghèo.Ảnh: Viết Tôn


Chị Vì Thi Nậm ở xóm Ca Lông, xã Đồng Chum phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trồng 1.000 m2 gừng vì được biết thu nhập từ gừng mang lại hiệu quả cao hơn trồng ngô. Khi tham gia dự án, gia đình được hỗ trợ một phần tiền mua gừng giống và phân bón cũng như được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc trồng gừng xen với ngô, atiso để tạo bóng mát cho gừng. Đầu ra đã được doanh nghiệp ký kết từ trước với giá thấp nhất là 4.500 đồng/kg. Nếu cây gừng đem lại hiệu quả cao thì năm sau gia đình tôi sẽ mở rộng sản xuất”.


Tại xã Cao Sơn, trước đây thu nhập của người dân dựa cả vào cây ngô và dong giềng nhưng giá thu mua ngày càng rẻ khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo khó. Từ khi dự án giảm nghèo tới với xã, bà con đã có thêm nguồn thu nhập vì trồng mía hiệu quả cao hơn rất nhiều. Bà Xa Thị Lập, xã Cao Sơn vui mừng cho biết: “Từ khi dự án giảm nghèo tuyên truyền cho bà con làm mía để tăng thu nhập, gia đình tôi tham gia trồng và được hỗ trợ phân bón, giống cũng như đầu ra. Vụ mía vừa rồi nhà máy cho xe đến từng hộ thu mua với giá hơn 9.500 đồng/kg mía. So với trồng ngô thì thu nhập từ mía ổn định hơn nhiều”.


Một trong những thành công của Dự án giảm nghèo trong trồng mía, gừng là việc liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm và xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông giúp người dân yên tâm sản xuất. Liên kết trồng mía nguyên liệu được các công ty mía đường tiêu thụ như Công ty mía đường Hòa Bình, Công ty mía đường Việt Đài (Đài Loan); sản phẩm gừng được Công ty xuất nhập khẩu Dragon Việt Nam thu mua và xuất sang thị trường Trung Đông.


Ông Bùi Minh Tráng, Trưởng ban Quản lý dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Đà Bắc cho biết: Trước đây cách tiếp cận thị trường của các xã trên địa bàn huyện thuộc dự án rất khó khăn, các hộ nghèo vùng dự án sản xuất trong điều kiện tự túc, tự phát và phân tán nên khối lượng hàng hóa cung ứng thị trường ít; sản phẩm bán ra chịu sự chi phối của tư thương dẫn đến lợi nhuận thấp nên ít có điều kiện tái đầu tư sản xuất.

 

Đường giao thông khó khăn cũng cản trở quá trình lưu thông, thu mua hàng hóa khiến cho chi phí vận chuyển cao dẫn đến nông sản của các xã vùng cao kém sức cạnh tranh so với vùng xuôi. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án vẫn còn nhiều khó khăn vì tập quán canh tác truyền thống của người dân vùng cao chưa được thay đổi. Một số nơi vẫn còn người dân vi phạm hợp đồng, tự ý bán sản phẩm ra ngoài thị trường. Trong thời gian tới ngoài việc mở rộng các xã thuộc dự án thành vùng nguyên liệu chuyên canh Ban quản lý dự án sẽ tính đến việc chế biến để tạo việc làm cho người dân.


Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường; chủ động tìm kiếm các đối tác sản xuất để liên kết bảo đảm sinh kế bền vững; lựa chọn những cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán của bà con dân tộc vùng cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần trong dự án, phát huy hiệu quả các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại những vùng đặc biệt khó khăn với mục tiêu giúp người dân thoát nghèo bền vững.

 

Vũ Trung Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN