Quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang đặt ra những thách thức mới. Trong mối lo ngại nghề truyền thống mai một, việc giữ được làng nghề hơn lúc nào hết càng trở nên cấp bách. Đây không chỉ là một cách để phát triển kinh tế, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa của từng vùng miền, mỗi địa phương.
Trong khi lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất, lớp trẻ có xu hướng xa quê, tìm hướng phát triển, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết để vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề.
Bài 1: Nhiều người trẻ giàu với nghề truyền thống
Kế thừa nghề gia truyền từ đời trước để lại, cũng là nghề truyền thống của làng, nhiều thanh niên làng nghề hiện không chỉ có thu nhập cao mà còn giúp nhiều lao động trẻ khác có việc làm ổn định.
Xưởng dát quỳ vàng Tươi Anh của Lê Bá Tươi ở thôn Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) khá nổi tiếng. Một buổi chiều hè, mặc dù không khí nóng nực, trong xưởng, hàng chục thợ trẻ vẫn đang miệt mài, chỗ này, những lao động nữ tay thoăn thoắt làm từng lá quỳ, chỗ kia, những nam thanh niên tay nện búa liên hồi…
Xưởng sản xuất gốm của anh Nguyễn Trọng Hiếu (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đem lại thu nhập cho anh và gia đình 100- 120 triệu đồng/năm. |
Lê Bá Tươi sinh năm 1986. Yêu nghề từ nhỏ, thuở còn đi học Tươi vẫn một buổi đến lớp, một buổi về nhà phụ việc cho bố. Sau khi học hết phổ thông, Tươi xin bố tách xưởng riêng. Mặc dù là một xưởng mới của người trẻ nhưng xưởng Tươi Anh đã có uy tín trong làng. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì xưởng quỳ, anh Lê Bá Tươi đang gom thợ khôi phục lại nghề sơn son thếp vàng. Theo lời anh, nghề sơn cũng là nghề gốc, nghề truyền thống của làng nhưng đã bị mai một mấy chục năm nay. Anh mong muốn và dự định phát triển thêm nghề. “Xưởng quỳ sẽ chuyển qua cho vợ quản lý, còn em sẽ làm sơn son. Hai vợ chồng cùng làm”, Tươi nói. Đội thợ của Tươi làm không hết việc, chủ yếu là theo đặt hàng của đền chùa các nơi, như Đền Đô, lăng Hoàng Nghị ở Thái Bình…
Xưởng đã thành lập được 2 năm và tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con trong làng, thậm chí cho nhiều lao động trẻ từ các tỉnh khác. “Thanh niên bây giờ chỉ thích ra ngoài, đi học, đi làm. Cùng lứa với em, tâm huyết với nghề thì cả thôn có 3 người, cùng làm mấy năm nay”- Tươi nói. Thu nhập hiện nay, Tươi cho biết, vào khoảng 120 triệu đồng/năm. Nhưng, theo dự tính, tương lai, khi nghề sơn nhiều thợ hơn, nhiều hợp đồng hơn thì thu nhập không chỉ dừng lại đó.
Trong số ít những người trẻ sớm làm chủ ở làng nghề truyền thống, anh Nguyễn Trọng Hiếu, sinh năm 1982, chủ xưởng gốm ở Bát Tràng, là một trong số ít những hội viên trẻ của Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng. Hiện nay, xưởng anh có 20 nhân công. Hiếu luôn chịu khó mày mò học hỏi để thay đổi các mẫu mã sản phẩm. Hiếu chia sẻ về nghề với giọng hào hứng và tâm huyết: “Bây giờ nghề này áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều. Mẫu mã luôn thay đổi. Mình phải luôn thử những hoa văn mới, màu men mới. Tìm hiểu thị trường, đáp ứng được thị trường qua báo chí, mạng, qua những người có kinh nghiệm, truyền nghề. Một năm có một vài mẫu”. Mỗi năm, thu nhập của Hiếu từ 100 - 120 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Hải, chủ quán cà phê tranh thêu ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng là một địa chỉ nổi tiếng ở làng nghề thêu truyền thống nằm cạnh xã Quất Động. Quán cà phê của anh treo hàng chục bức tranh thêu tay đủ kích thước, thể loại. Từ những bức vài trăm ngàn đồng đến bức hơn chục triệu đồng. Trước khi có cửa hàng này, Hải từng nhiều năm đi giao sản phẩm cho các hàng lưu niệm, rồi vào mở một gian hàng bán sản phẩm ở Nha Trang. Hiện nay, hai vợ chồng Hải vừa bán quán vừa trực tiếp trổ tài khi khách có nhu cầu thưởng thức tài nghệ của người làng nghề. Hải tổ chức một đội 10 người thợ làm tại nhà. Với sự tìm tòi sáng tạo trong kinh doanh, tay nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh, Hải được bầu làm chủ tịch Hội thêu huyện Thường Tín.
Nhìn vào lớp trẻ đang say sưa với những dự định, ánh mắt của người già lấp lánh niềm tin tưởng vào tương lai của làng nghề. “Từ ngày có xưởng dát quỳ vàng Tươi Anh, nhiều thợ trẻ có việc làm. Tuy ít tuổi nhưng chúng có sự năng động, chịu khó đi, chịu khó tìm tòi nên đã khôi phục được nghề tưởng đã thất truyền mấy chục năm trước đó”, ông Chủ nhiệm Hợp tác xã dát quỳ Kiêu Kỵ nói.
Điểm chung của những người trẻ đã thành công ấy, chính là quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề cha ông để lại, và có một niềm tin tưởng chắc chắn vào tương lai của làng nghề. Với Hiếu, “ngành gốm sứ ngày càng phát triển, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều, chất lượng nâng cao, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, sẽ phát triển”. Còn với ông chủ quán cà phê tranh thêu Vũ Văn Hải, mặc dù mới mở cửa hàng khoảng 1 năm nhưng anh Hải rất tin tưởng vào mô hình của mình. Hải nói: “Mình đã là người làng nghề, mình sẽ theo nghề. Qua 1 năm, hiệu quả cửa hàng chưa đáng kể, vì chủ yếu mang tính thử nghiệm. Nhưng nghề thêu rất có triển vọng. Trong điều kiện hiện nay, khi 90% khách hàng là nội địa, việc mở cửa hàng theo mô hình cà phê tranh thêu vừa là giới thiệu sản phẩm, vừa thúc đẩy tiêu thụ nội địa”. Thời gian tới, ông chủ trẻ này đang nghiên cứu khả năng phát triển để đầu tư mở thêm cửa hàng ở những nơi khác.
Ở các làng nghề, số nghệ nhân còn trẻ tuổi không phải ít. Tuy nhiên, thực tế gần đây, số thanh niên ở lại gắn bó với làng nghề như anh Tươi, anh Hiếu, anh Hải không được nhiều. Theo anh Tươi, “Nhiều người bạn của tôi, cũng giống như phần đông các bạn trẻ hiện nay muốn thoát ly làm công việc khác có thu nhập cao hơn, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Hơn thế, các bạn luôn nghĩ, còn trẻ tuổi còn muốn bay nhảy, ra ngoài xã hội thử thách”. Điều này dẫn tới tình trạng: Nhân công làng nghề truyền thống lại từ nhiều nơi khác đến, nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cho các đơn hàng. Các làng nghề lâm vào cảnh cực kỳ thiếu thợ, nhất là thợ lành nghề. Thực tế đó làm đau đầu không ít những nghệ nhân và những người tâm huyết muốn vực dậy nghề truyền thống và muốn làng nghề hưng thịnh.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Bài 2: “Níu chân” người trẻ ở lại làng nghề