Hàng loạt điểm nghẽn
Theo các chuyên gia, Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông và cảng biển. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa cao với phần lớn lao động nhập cư đang đặt ra rất nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công.
Quy hoạch đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ có 970 km cao tốc nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch. Nguyên nhân chính là sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng. Điển hình, TP Hồ Chí Minh có vị trí trung tâm kết nối vùng nhưng giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố cần khoảng 373 nghìn tỷ đồng cho 172 công trình giao thông trọng điểm nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Jabes) cho biết, tốc độ tăng trưởng vùng có xu hướng giảm và chững lại. Một điều đặc biệt quan tâm, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò dẫn dắt vùng nhưng hiện đang đối diện với vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông khi xếp hạng PCI về cơ sở hạ tầng tổng quát lại đi sau hai địa phương Bình Dương và Đồng Nai.
“Sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng cứng đã hạn chế những thế mạnh tiềm năng vốn có của TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng nói chung trong phát huy thế mạnh nội vùng và các vùng kinh tế khác. Điều này dẫn đến không chỉ tốc độ tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh mà tốc độ tăng trưởng của vùng cũng đang có chiều hướng chững lại và đi xuống trong những năm gần đây”, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài phân tích.
Trong khi đó, Giáo sư - Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như: TP Hồ Chí Minh cùng với các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư nên phải đối diện với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.
Trong khi đó, dù có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước nhưng trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ còn thấp. Kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, chưa trở thành động lực thúc đẩy kinh tế vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thanh Thu (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), bên cạnh những thành tựu, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực… còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là vùng công nghiệp lớn nhất nước nhưng chủ yếu vẫn là công nghiệp gia công, dựa vào nguồn nhân lực lao động trình độ trung bình hoặc thấp để tạo ra sản phẩm.
Các tỉnh chưa có chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch chung trong hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mỗi tỉnh làm khoa học công nghệ độc lập với mục tiêu và kế hoạch riêng dẫn tới phân tán nguồn lực vốn đã rất mỏng. Vùng có khoảng 80 trường đại học, 70 trường cao đẳng nhưng các cơ sở này chưa gắn hoạt động khoa học công nghệ để giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội của vùng.
“Cho đến thời điểm này, sự phát triển khoa học công nghệ của Đông Nam Bộ thực chất chưa mạnh, chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển khoa học công nghệ có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thanh Thu chia sẻ.
Khẳng định vai trò Hội đồng vùng
Nhiều chuyên gia chỉ ra, Đông Nam Bộ vẫn tồn tại những điểm nghẽn như: thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao, thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng…
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ chính là là cơ sở đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả, cần nghiên cứu, đề xuất và xây dựng chính sách, giải pháp chiến lược phù hợp.
Để vùng Đông Nam Bộ với “hạt nhân” TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khoa học công nghệ, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thanh Thu đề xuất, từ cấp quản lý khoa học và công nghệ ở Trung ương đến địa phương trong vùng tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thanh Thu gợi mở, có thể tập trung xây dựng và triển khai thí điểm ở vùng Đông Nam Bộ chính sách tạo động lực thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Dù có những hạn chế, nhưng thực tế Đông Nam Bộ vẫn được coi là vùng kinh tế có năng lực đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ lớn nhất Việt Nam. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Để phát triển bền vững với tốc độ cao, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục phát triển đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ. Phân tích quan điểm tái cấu trúc kinh tế vùng, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, động lực phát triển các ngành kinh tế cần hướng đến hiệu quả, đổi mới sáng tạo tập trung và thâm dụng công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tính hiệu quả quản trị vùng nhằm phá vỡ điểm nghẽn thâm dụng lao động, vốn và tài nguyên. Thực thi tái cấu trúc vùng phải được kiến tạo thông qua Hội đồng vùng có hiệu lực pháp lý và phải có một cơ chế vượt trội huy động các nguồn lực.
“Nguồn vốn đầu tư công cho các dự án vành đai TP Hồ Chí Minh và vùng phải được vùng giám sát, quản lý và đề xuất ưu tiên giải quyết theo quy hoạch vùng. Do vậy, phải hoàn thiện Hội đồng vùng và hoàn thành quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sớm nhất để xác định các dự án trọng tâm và trọng điểm liên kết nội vùng và ngoại vùng”, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài khuyến nghị.
Trên cơ sở này, theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế để Hội đồng vùng được đưa ra các quyết nghị liên quan đến các vấn đề thuộc vùng, cho dù là các dự án quốc gia hay dự án địa phương có tác động đến vùng; cùng với đó là các vấn đề môi trường, giao thông nối kết, an toàn thực phẩm và hợp tác phân công lao động theo chuỗi giá trị công nghiệp vùng...
Để góp phần thực hiện hiệu quả các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các vùng, tại Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (Viện IRDRC), thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và cung cấp dịch vụ tư vấn, nhằm góp phần giúp các địa phương tiếp cận những xu hướng mới trong việc thiết kế và vận hành chính sách…
Với tầm nhìn đến năm 2035 trở thành tổ chức nghiên cứu và tư vấn đa ngành, đa lĩnh vực hoạt động, Viện IRDRC hướng tới 4 trụ cột chính: nghiên cứu ứng dụng và tư vấn chính sách cho khu vực công; tư vấn nghiệp vụ và chiến lược cho khu vực tư nhân; lan toả tri thức và kết nối cộng đồng; quản trị và vận hành.