Thế nhưng, việc chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất loại cây trồng này tại Tây Nguyên, khiến cả doanh nghiệp và người dân trồng Sachi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những dấu hiệu tích cực từ cây Sachi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã đồng ý cho phép các công ty trồng khảo nghiệm 12 ha cây Sachi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện trồng khảo nghiệm khoảng 6,4 ha, tập trung chủ yếu tại ba huyện Chư Sê, Chư Pưh và Đắk Đoa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Sâm Phát, Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên… đã liên kết với các hộ dân trồng khoảng 119,4 ha để sản xuất, cung cấp sản phẩm Sachi đến các thị trường trong và ngoài nước.
Huyện Chư Sê là địa phương phát triển mạnh nhất tỉnh Gia Lai loại cây trồng mới này. Trong năm 2017, Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên (đơn vị cấp 2 của Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho phép triển khai trồng khảo nghiệm cây Sachi trên địa bàn huyện, với diện tích 2,4 ha của 10 hộ dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, qua hơn một năm theo dõi, ngành nông nghiệp huyện nhận thấy cây Sachi sinh trưởng, phát triển tốt, đâm nhánh mạnh, cây khỏe, ít sâu bệnh; sau khi trồng 7 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng năm đầu đạt 2 - 2,5 tấn/ha hạt khô. Với giá thu mua từ 70.000 – 120.000 đồng/kg hạt khô, Sachi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá hạt Sachi đã giảm xuống còn khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg, song thu nhập của người dân vẫn dao động từ 40 – 60 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Lý, xã Al Bá, huyện Chư Sê cho biết, hiện gia đình ông có khoảng 6 ha Sachi; trong đó có 2 ha đang cho thu hoạch. So với giá cà phê, hồ tiêu hiện nay, cây Sachi cho thu nhập cao hơn. Ông Lý là người đứng đầu của tổ sản xuất gồm 4 hộ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Đầu tư phát triển xuất nhập khẩu Light City (thành phố Pleiku, Gia Lai). Không yêu cầu mua giống, phân bón, doanh nghiệp này chỉ đặt ra tiêu chí các hộ dân phải sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm hạt Sachi phải đảm bảo quy trình, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Với ưu điểm so với các loại cây trồng khác, ông Lý và các hộ dân trong vùng đã phát triển diện tích Sachi, vượt qua mức thu mua mà các công ty đưa ra trong hợp đồng. Số hạt Sachi không bán được, ông đầu tư hệ thống máy ép dầu để bán.
“Tôi không quá lo ngại về vấn đề đầu ra, bởi Sachi được mệnh danh là vua của các loại hạt với hàm lượng Omega 3, Omega 6 cao. Nếu tạm thời chưa bán được, tôi có thể phơi khô và đóng bao, cũng không ảnh hưởng gì. Tôi đầu tư thêm máy ép dầu, khoảng 4 – 4,2 kg Sachi sẽ cho được 1 lít dầu, bán với giá 280.000 đồng/lít. Hiện nay, gia đình tôi bán trong huyện Chư Sê, được bà con đánh giá cao nhờ mùi thơm đặc trưng”, ông Lý cho biết thêm.
Gỡ vướng để phát triển
Giữa tháng 1/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 204/QĐ-BNN-TT về việc công nhận đặc cách giống dược liệu mới Sacha Inchi S18 (Sachi), vùng sinh thái được công nhận đặc cách là các tỉnh phía Bắc. Theo quyết định này, khu vực Tây Nguyên không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây Sachi, nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ loại cây trồng này.
Ông Phan Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên cho biết, hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty này tại Gia Lai khoảng 200 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chư Sê. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này thu mua từ các vùng nguyên liệu khoảng 60 tấn hạt Sachi khô. Qua quá trình chế biến đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại xưởng sản xuất đặt trên địa bàn huyện Chư Sê, toàn bộ thành phẩm hạt Sachi được đóng gói, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, do Sachi chưa được công nhận trồng tại khu vực Tây Nguyên, nên các sản phẩm Sachi đóng gói của doanh nghiệp này không làm được truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác đối với loại cây trồng này cũng không nhiều, trong khi độ thích ứng, năng suất đều đạt vượt trội so với khu vực đặc cách là các tỉnh phía Bắc.
“Mỗi tháng, công ty chỉ xuất được khoảng 50 tấn thành phẩm Sachi đi thị trường Nhật Bản, song khá hạn hẹp về mặt đầu ra. Thực tế không phải do không có thị trường tiêu thụ, mà bởi những yêu cầu khắt khe từ các thị trường này, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc khiến chúng tôi khó có thể mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm”, ông Mạnh phân tích.
Thực tế, Quyết định 204/QĐ-BNN-TT cũng khiến ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai chưa thể đưa cây Sachi vào danh mục quy hoạch cây trồng. Sachi là loại cây trồng dây leo, nên chi phí đầu vào cao nhất thuộc về khâu làm trụ, giàn. Thế nhưng tại Gia Lai, có hàng ngàn ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, vì vậy người dân sẽ không phải bỏ vốn đề đầu tư hệ thống giàn leo cho Sachi, mà trồng trực tiếp vào các gốc tiêu đã chết.
Đây chính là điều kiện để cây Sachi phát triển mất kiểm soát tại Gia Lai, bằng chứng là con số thực tế hiện đã vượt xa so với thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh. Chỉ tính riêng Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên đã có 200 ha vùng nguyên liệu, trong khi thống kê toàn tỉnh mới chỉ có 125,8 ha. Thậm chí, ngay cả việc quản lý các doanh nghiệp ký kết liên kết trồng Sachi với người dân trên địa tỉnh cũng là nhiệm vụ khá khó khăn của cơ quan chức năng.
“Hiện nay, có một số công ty tổ chức ký kết với nông dân để trồng cây Sachi. Tuy nhiên, trước khi có quyết định công nhận Sachi là cây trồng phù hợp trên địa bàn Tây Nguyên thì người dân nên hạn chế phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, khi ký kết với các công ty này thì cần có những cam kết chặt chẽ về quyền lợi, trách nhiệm của công ty, thông qua xác nhận của chính quyền địa phương để có cơ sở pháp lý ràng buộc, nếu có vấn đề gì xảy ra thì chính quyền địa phương mới có thể hỗ trợ cho người nông dân”, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê khuyến cáo.
Thực tế, tháng 3/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản 5/UBND-NL về việc mở rộng vùng nguyên liệu Sachi, đề nghị các công ty, doanh nghiệp phối hợp với ngành nông nghiệp, các địa phương tổ chức hội thảo đánh giá tính thích nghi, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây Sachi. Nếu đủ điều kiện thì các công ty, doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư liên kết sản xuất, khi đạt số lượng 1.000 ha thì xây dựng nhà máy chế biến tại Gia Lai.
Điều đáng nói, theo ông Phan Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên, đơn vị này không nhận được thông tin nào về văn bản 5/UBND-NL của UBND tỉnh Gia Lai. Dù vậy, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên đã xin UBND huyện Chư Sê cho thuê đất tại khu công nghiệp Chư Sê để xây dựng nhà máy chế biến, song gặp phải nhiều khó khăn, bởi các ngân hàng không thể tiến hành cho vay vốn để phát triển một loại cây trồng chưa nằm trong danh mục cho phép tại khu vực Tây Nguyên.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, do Sachi là một loại cây trồng mới, chưa được công nhận nên ngoài diện tích 6,4 ha được tỉnh cho phép trồng khảo nghiệm, toàn bộ diện tích trồng Sachi khác đều nằm ngoài quy hoạch. Dù tỉnh đã ban hành văn bản 5/UBND-NL, song cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào tổ chức thực hiện nên việc phát triển ra diện rộng là chưa đủ điều kiện, chưa có cơ sở để tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất Sachi tại Tây Nguyên.
UBND tỉnh cũng đã có hướng chỉ đạo tiếp theo, nếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, các công ty, doanh nghiệp muốn phát triển một cách bền vững, lâu dài thì phải xây dựng dự án đầu tư, liên kết với người dân.
“Ngoài ra, cũng phải xác định rõ khi đạt được diện tích bao nhiêu thì phải xây dựng được khâu sơ chế, nhà máy chế biến ở trên địa bàn tỉnh, bởi điều đó là căn cơ nhất, đảm bảo nhất để phát triển cây Sachi một cách bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, ông Hà Ngọc Uyển nhấn mạnh.