Gỡ vướng quy hoạch bô xít cho các mỏ vật liệu thông thường

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát thôn 2 - 5, xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp là hơn 340.000m3 cát xây dựng, diện tích hơn 4,5ha. Đây là mỏ cát đã được UBND tỉnh tổ chức đấu giá vào cuối năm 2021 và cấp giấy phép thăm dò vào tháng 8/2022.

Chú thích ảnh
Khu vực mỏ cát tại thôn 2 – 5, xã Hưng Bình có diện tích quy hoạch 6,5ha bị chồng lấn quy hoạch với mỏ bô xít Đắk Nông. Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, việc triển khai các thủ tục để cấp phép khai thác rất chậm. Trong đó, nguyên nhân chính do chồng lấn quy hoạch mỏ khoáng sản bô xít (được phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Tại quyết định trên, UBND tỉnh Đắk Nông cũng nêu rõ việc xem xét, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án và cấp giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chấp thuận hoặc tháo gỡ vấn đề chồng lấn quy hoạch mỏ bô xít.

Trước đó, trong các tháng 3 và 6/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản bô xít tại mỏ cát trên. Theo các báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, các mỏ bô xít trên địa bàn tỉnh được quy hoạch tại Quyết định 866 chiếm diện tích lớn nên không thể tránh khỏi tình trạng xen lẫn các mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Trong các mỏ xen lẫn, chồng lấn với quy hoạch khoáng sản bô xít có mỏ cát thôn 2 - 5. Đây là mỏ cát đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Cũng theo các báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, kết quả thăm dò cho thấy khu vực mỏ cát thôn 2 - 5 hình thành do hành động tích tụ vật chất khoáng về bề mặt, không liên quan đến đặc điểm địa chất kiến tạo và hình thành quặng bô xít. Dựa trên việc lấy mẫu phân tích và đánh giá, có thể khẳng định, khu vực mỏ cát thôn 2 - 5 chỉ có khoáng sản thông thường là cát xây dựng, sỏi và không có khoáng sản bô xít. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cho ý kiến để Đắk Nông thẩm định chủ trương đầu tư khai thác cát xây dựng tại đây.

Tại văn bản phản hồi các báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông vào cuối tháng 10/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định mỏ cát nêu trên nằm trong tọa độ khép góc các điểm mốc đã được thăm dò quặng bô xít đúng như các báo cáo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khu vực mỏ cát không chồng lấn với khối tài nguyên, khoáng sản bô xít đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ Công thương và đề nghị hướng dẫn theo quy định, nhất là vấn đề chồng lấn với quy hoạch khoáng sản (giữa mỏ cát xây dựng với mỏ bô xít - PV) để tiến hành các bước tiếp theo.

Liên quan tới chồng lấn quy hoạch bô xít, theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có khoảng 27% diện tích tự nhiên có trữ lượng bô xít lớn và nằm trong quy hoạch khoáng sản tại Quyết định số 866. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 2/3 mỏ vật liệu xây dựng thông thường của Đắk Nông nằm xen kẽ trong quy hoạch mỏ bô xít.

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, nếu không cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm xen kẽ trong quy hoạch bô xít sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng cơ bản của tỉnh cũng như nhu cầu của người dân. Nhất là trong bối cảnh Đắk Nông đang triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn, điển hình là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Hưng Thịnh (TTXVN)
Đắk Nông xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng tổng thể phục vụ khai thác bô xít
Đắk Nông xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng tổng thể phục vụ khai thác bô xít

Theo Tổ công tác xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông, dự kiến hết năm 2024, Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) sẽ sản xuất được khoảng 0.000 tấn alumin. Sản lượng này thấp hơn khoảng 32.000 tấn so với năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN