Xung quanh việc Chính phủ đề xuất gói miễn, giảm, giãn thuế với tổng trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp (DN) đang khó khăn, có ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ này chưa đủ mạnh để hỗ trợ DN và mới chỉ tập trung vào giải pháp thuế. Tin tức đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành về vấn đề này.
Theo ông, gói giải pháp được đưa ra có đủ sức giúp DN thoát khỏi đình đốn hiện nay?
Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng, đó thực sự là gói hỗ trợ. Có 3 lý do để chúng ta không thể nói đến một gói kích cầu lớn hay một gói giải cứu cho doanh nghiệp, dù chỉ ở mặt chữ nghĩa. Một là, tiền của Nhà nước không có nhiều, nhất là khi phải tái cấu trúc nền kinh tế. Song đây cũng là dịp để bắt tay vào thay đổi cách thức tăng trưởng.
Hai là, chúng ta vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi lòng tin về dài hạn, về đầu tư nước ngoài và lòng tin của thị trường. Vừa qua, kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu phục hồi, lạm phát giảm, cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại tệ tăng mỏng nhưng nhanh, thâm hụt ngân sách được kiểm soát. Nhìn tổng thể trong một chừng mực nhất định, chính sách tài khóa nếu nhìn theo mục tiêu đã được nới rộng hơn năm 2011 nhưng không có nghĩa là thiếu chặt chẽ.
Ba là, thời điểm hiện nay khác năm 2009 nên cách thức triển khai cũng khác. Năm 2009, thị trường bên ngoài sụp đổ, xuất khẩu giảm. Bây giờ bên ngoài khó khăn, tổng cầu giảm nhanh nhưng chúng ta có cơ hội. Quý I/2009, tăng trưởng 3,1%, trong đó xây dựng tăng trưởng dương. Quý I/2012, tăng trưởng 4% nhưng ngành xây dựng lại âm hơn 3%. Vì vậy, rất khó nói đủ hay chưa, nhưng nếu triển khai quyết liệt sẽ tác động đáng kể đến sự phục hồi của nền kinh tế song hy vọng nó như một cú hích lớn thì chưa phải.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đưa ra mới chỉ tập trung vào giải pháp thuế là chưa đủ?
Các giải pháp của Chính phủ không chỉ tập trung vào chính sách thuế mà khá toàn diện. Chính phủ thực hiện hỗ trợ DN thông qua hai nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất, nhóm hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, mà chủ yếu liên quan đến cắt giảm chi phí cho DN. Thực hiện nhóm giải pháp này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cố gắng giảm lãi suất, khống chế trần lãi suất cho vay dưới 14% đối với 4 lĩnh vực liên quan nhiều đến an sinh xã hội. Giảm khó khăn cho DN về thuế có giãn thuế GTGT, giảm thuế thu nhập, miễn thuế và cải cách các thủ tục để giảm chi phí giao dịch cho DN.
Nhóm thứ hai là kích cầu đầu tư, mở rộng thị trường. Trong đó, về kích cầu đầu tư, Chính phủ chủ trương dùng một phần tiền sẽ lấy từ nguồn năm 2011 chuyển sang và 10% trong số 1.700 tỷ tiết kiệm chi tiêu thường xuyên năm ngoái cũng có thể được dùng để kích cầu đầu tư, tập trung vào kết cấu hạ tầng nông thôn. Thời gian qua, xuất khẩu khó khăn hơn nhưng vẫn có cơ hội đối với các thị trường lớn như: Mỹ, EU và đặc biệt là thị trường Đông Á, nơi mà các hiệp định thương mại tự do có tác động tích cực. Do đó, vấn đề xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đầu tư nước ngoài rất quan trọng. NHNN cũng đã nới rộng cho vay tiêu dùng, các khoản trước đây là lĩnh vực không khuyến khích...
Xin cảm ơn ông!
Nhóm Phóng viên KT - XH