Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội nghị. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, việc triển khai chương trình phối hợp giữa hai tỉnh Hà Giang và Hải Dương giai đoạn 2017-2020 đã được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân hai địa phương.
Hà Giang mong muốn huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp của Hải Dương đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hà Giang phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc có thị trường rộng lớn, Hà Giang có Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và nhiều cửa khẩu, lối mở rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biên mậu. Hà Giang có lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, cam sành... Hà Giang cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Du lịch đã được tỉnh Hà Giang xác định là 1 trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, với những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, nổi bật là các di sản địa chất như Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.
Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang trao tặng bức tranh cột cờ Quốc gia Lũng Cú cho Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với các thế mạnh của Hải Dương như nông sản, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và làng nghề. Đặc biệt, Hải Dương được biết đến như một “điểm đến” với các điểm du lịch: Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, Gốm Chu Đậu, đảo cò Chi Lăng, Múa Rối nước Hồng Phong... và là điểm dừng chân trên tuyến du lịch Quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hải Dương hiện có 10 khu công nghiệp đã được thành lập, đang đi vào hoạt động và thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút được 228 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 3,3 tỷ USD và trên 12.578 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho trên 75.000 lao động; trong đó, lao động của Hải Dương mới chỉ đáp ứng khoảng 75%.
Trên cơ sở những tiềm năng thế mạnh của mình, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng trong giai đoạn 2017 - 2020, Tỉnh ủy Hải Dương sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương của tỉnh tích cực kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào Hà Giang.
Bước đầu, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh công tác đưa lao động của tỉnh Hà Giang vào làm việc tại các doanh nghiệp của Hải Dương. Đồng thời, Hải Dương sẽ phối hợp với tỉnh Hà Giang đẩy mạnh các hoạt động liên kết trong phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư.
Ngay trong những tháng cuối năm 2017, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương sẽ chỉ đạo Công ty Cổ phần Vật tư y tế Hải Dương phối hợp với Hà Giang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dược liệu.