Thu hoạch vải của một hộ gia đình ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Bà
Lê Thị Hạnh (thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) vừa bẻ những
trái vải u trứng đầu mùa chín đỏ vừa hồ hởi cho biết: “Nhà tôi bắt đầu
bẻ vải bán được hai ngày nay. Thương lái về mua tại vườn với giá 50.000
đồng/kg. Dân phấn khởi lắm. Năm ngoái chỉ 40.000 đồng/kg thôi. Năm nay
thời tiết cũng phù hợp với cây vải sớm, năng suất cao gấp đôi năm
ngoái".
Bà
Hạnh cho biết, nhà bà chỉ trung bình đạt khoảng 5 tạ/sào, nhưng nhiều
nhà còn năng suất hơn. Năm ngoái, gia đình bà thu được 120 triệu đồng từ
vụ vải. Năm nay với năng suất, sản lượng cao hơn, hy vọng đầu ra thuận
lợi thì sẽ còn khá hơn.
Theo nhận định của người dân, nhìn chung, năng suất vải sớm năm nay cao gấp đôi năm ngoái. Bà Hạnh ước tính năm nay, gia đình sẽ thu được khoảng 4,5 - 5 tấn vải sớm. Hiện nay, cùng với việc thu hoạch rải rác những cây vải u trứng, trứng gai và u hồng chín sớm, bà con nông dân Thanh Bính hàng ngày tích cực ra đồng kiểm tra sâu bệnh, bón ka li, bẻ bớt lộc lá để tập trung dưỡng chất cho quả vải, giúp vải chín nhanh.
Nhiều năm nay, cây vải sớm đã mang lại thu nhập khá cho người dân Thanh Bính. Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Bính cho biết, toàn xã có khoảng 250 ha vải trong đó khoảng 90% là vải sớm. Với truyền thống trồng vải sớm nhiều năm nay, vải Thanh Bính đã có tiếng mẫu mã đẹp, chất lượng và được thị trường ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Nam.
Những ngày qua, người dân đã bẻ vải bán được chừng 20 tấn, giá tại vườn khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Theo ông Tín, chưa có năm nào vải sớm Thanh Bính lại được mùa như năm nay. Giá bán cũng ổn định. Dự tính, với giá hiện tại, vụ vải năm nay, Thanh Bính sẽ thu khoảng trên 50 tỷ đồng. Nhà nào trồng vải sớm cũng bội thu.
Hiện Thanh Bính đã có 20 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước Châu Âu và Mỹ. Để quả vải đảm bảo tiêu chuẩn, địa phương đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về chăm sóc vải cho bà con nông dân.
Năm nay, dự kiến năng suất của vải VietGAP cũng đạt cao hơn năm trước. Diện tích này sẽ chín rộ vào cuối tháng 5. Ông Lê Sĩ Tín bày tỏ nguyện vọng: “Đề nghị cấp huyện, cấp tỉnh tạo điều kiện cho việc tiêu thụ vải của địa phương. Đặc biệt là tạo thuận lợi về giao thông để cho xe của thương lái về thu mua vải”.
Toàn huyện Thanh Hà có khoảng 4.000 ha vải; trong đó, chỉ có trên 1.000 ha là các giống vải sớm như u hồng, u thâm, tàu lai, còn lại là vải muộn còn gọi là vải thiều - đặc sản của Hải Dương. Cùng với Thanh Bính, vải sớm còn được trồng rải rác ở 6 xã thuộc khu Hà Đông của huyện Thanh Hà.
Vườn vải Hang Son của gia đình anh Dũng (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh) cũng đang chín rộ. Gia đình anh đang phải thuê người để bẻ vải bán cho thương lái. Trên diện tích đất đồi 4 ha, anh Dũng có khoảng 300 gốc vải.
Cây năng suất nhất cho khoảng 2 tạ quả. Những ngày qua, gia đình anh đã thu hoạch được gần 1 tấn để bán cho các thương lái với giá tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg. Dự kiến thời điểm thu hoạch sẽ kéo dài khoảng 5 - 7 ngày.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 2.200 ha vải sớm. Tính chung, toàn tỉnh ước đạt 25.000 tấn vải sớm, trong đó riêng huyện Thanh Hà đạt khoảng 20.000 tấn, tăng 20% so với sản lượng vụ vải sớm 2016.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp Hải Dương, năm nay cây vải sớm được mùa nhất từ trước đến nay. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương) phân tích, đặc tính của cây vải sớm là không phản ứng quá chặt chẽ với nền nhiệt thấp nên không bị ảnh hưởng bởi mùa đông ấm.
Mặt khác, thời điểm vải sớm ra hoa, đậu quả thì trời ấm, rất phù hợp cho vải. Do đó, tỷ lệ ra hoa và đậu quả đạt cao. Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây vải sớm mang lại nên bà con nông dân tích cực chăm sóc. Nhờ vậy, cây khỏe mạnh, quả chín đẹp và ngọt hơn so với mùa vải những năm trước.