Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, đến thời điểm này, 100% số xã, phường trên địa bàn thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày không phát sinh trở lại kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng (26/1/2020) tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Như vậy, Hà Nội đã khống chế thành công DTLCP và công việc quan trọng lúc này là phòng bệnh tái phát.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, sau hơn một năm xuất hiện ổ dịch đầu tiên (24/2/2019), hậu quả của bệnh DTLCP để lại cho ngành chăn nuôi Hà Nội rất lớn. Trong đó khó khăn nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gần như tất cả các hộ chăn nuôi này trên địa bàn đã bị phá sản.
Cụ thể, tại Hà Nội, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi thuộc 449 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 543.878 con với tổng trọng lượng 37.160 tấn.
Vào các tháng cao điểm của dịch (tháng 5 và 6/2019), có ngày Hà Nội tiêu hủy tới 8.000 - 9.000 con lợn. Tổng đàn lợn từ hơn 1,8 triệu con nay giảm xuống còn gần 1,3 triệu con.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2019, bệnh DTLCP có chiều hướng giảm dần. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố chỉ ghi nhận 13 hộ có lợn mắc bệnh DTLCP. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 71 con với tổng trọng lượng 5.589kg.
Đây là thành quả từ việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý)... Vì vậy, khi ổ dịch xuất hiện, ngay lập tức được chính quyền địa phương khoanh vùng, dập dịch tại chỗ và tiêu hủy theo quy định, không để lây lan diện rộng.
Hà Nội cũng kịp thời chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh DTLCP. Đến nay, đã có hơn 90% số hộ có lợn mắc bệnh được các ngành chức năng chi trả tiền hỗ trợ. Việc này không chỉ góp phần bù đắp thiệt hại cho người dân khi có lợn mắc bệnh mà còn là giải pháp quan trọng để người dân không giấu dịch.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, để phòng chống dịch tái phát tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho ngành chăn nuôi. Tại Hà Nội, trung bình mỗi tháng Thủ đô tiêu thụ khoảng 18.500 tấn thịt lợn nên hiện nay việc vận chuyển lưu thông lợn trên địa bàn rất lớn; trong khi đó, việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 800 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý.
Ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường. Các địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở trong việc tái đàn lợn bảo đảm theo hướng an toàn sinh học; những hộ chăn nuôi khi nhập giống về nuôi phải khai báo nguồn gốc xuất xứ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện các ổ dịch. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng một số cơ sở giết mổ tập trung; duy trì hoạt động chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông nhằm kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn ra, vào trên địa bàn thành phố.