Việc nợ thuế kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch thu ngân sách của Thủ đô, tạo sự không công bằng trong cộng đồng các doanh nghiệp. Do vậy, Cục Thuế thành phố luôn xác định việc thu hồi nợ thuế là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Đi đầu về đòi nợ thuế
Cục Thuế thành phố Hà Nội xác định việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm. Song đây cũng là nhiệm vụ rất phức tạp và nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh và hiệu quả mới thu được những đồng ngân sách cho thành phố.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm cơ quan này đã có văn bản giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết tới từng phòng, từng đội thuế, chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp.
Trong đó, tập trung rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nợ; phân loại chính xác số nợ theo từng tiêu chí để thực hiện tốt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng theo đúng quy định và theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Đồng thời, yêu cầu các bộ phận liên quan nắm bắt, phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp nợ thuế (đặc biệt là các đơn vị nợ dưới 90 ngày) để tập trung đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế kịp thời, hiệu quả.
Mặt khác, Cục Thuế Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp phối hợp tốt với cơ quan thuế trong thu hồi nợ thuế. Từ đó, thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn.
Bên cạnh những biện pháp mang tính chính sách kể trên, thời gian qua Cục Thuế thành phố Hà Nội đã kiên quyết áp dụng hình thức cưỡng chế nợ đọng thuế, nhất là biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Riêng trong năm 2017, đã thông báo 2.484.000 lượt thông báo nợ thuế qua thư điện tử (có chữ ký số) hoặc gửi qua bưu điện tới các doanh nghiệp nợ thuế.
Mặt khác, ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 13.865 đơn vị với số tiền là 6.263 tỷ đồng; Quyết định cưỡng chế nợ bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với 6.611 đơn vị với số tiền là 6.212 tỷ đồng.
Kết quả, trong 8 tháng qua, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thu được khoảng 4.000 tỷ đồng tiền nợ thuế; thực hiện cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản đối với 5.562 đơn vị với số tiền nợ hơn 156 tỷ đồng; cưỡng chế hóa đơn 2.513 đơn vị với số tiền nợ 989 tỷ đồng. Còn trong năm 2017, tổng nợ trên dưới 90 ngày đã giảm 4.132 tỷ đồng so với tổng nợ thời điểm 31/12/2016. Thu nợ năm 2017 ước đạt 12.784 tỷ đồng, đạt 100,6% chỉ tiêu thu nợ, tăng 0,9% so với thực hiện năm 2016. Vì vậy, Tổng Cục Thuế đánh giá thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về thu hồi nợ thuế, phí.
Còn khó trăm bề
Bên cạnh những kết quả trên, hiện thu hồi nợ thuế trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thực tế là còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế chưa nghiêm khắc chây ỳ trả nợ thuế. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế, chấp nhận chịu phạt chậm nộp, sau đó dùng số tiền thuế phải nộp quay vòng vốn hoặc sử dụng vào việc khác vẫn rẻ và hiệu quả hơn so với huy động vốn từ ngân hàng.
Chưa hết, có nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đang vướng vòng lao lý, số nợ tiền nợ thuế bị "đóng băng" thế nhưng việc nộp thay nợ thuế cho doanh nghiệp lại không dễ dàng gì, vì hiện nay chích sách chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này. Như vậy, nếu không cho nộp thay nhà nước thất thu ngân sách, còn các cơ quan thuế phải chịu tiếng là có số nợ thuế kéo dài nhiều năm mà chưa biết cách gì để khắc phục.
Ngoài ra, biện pháp cưỡng chế thu hồi kê biên tài sản đối với những doanh nghiệp nợ thuế kéo dài cũng khó thực hiện do vướng nhiều thủ tục pháp lý mà cơ quan thuế và nhiều cơ quan khác đang loay hoay.
Đại diện Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, nhận thức được những khó khăn nêu trên, bên cạnh việc thanh kiểm tra, xử lý trường hợp trốn, chây ỳ nợ thuế, trong quá trình làm việc, kiểm tra, thanh tra việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp, cơ quan này cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những chính sách thuế mới đến doanh nghiệp, nhằm hạn chế các sai sót trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế trong kê khai, nộp thuế. Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp nộp các khoản nợ đọng vào ngân sách nhà nước (bao gồm nợ đọng qua thanh tra kiểm tra và nợ phát sinh qua kê khai).
Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong chống thất thu; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, điều tra xác minh các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh nhưng còn nợ thuế.
Đòi nợ thuế không chỉ là trách nhiệm của ngành thuế mà công việc này sẽ hiệu quả hơn khi các ngành chức năng, chính quyền địa phương của thành phố cùng vào cuộc vì mục tiêu hoàn thành thu ngân sách, tạo sự công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.