Kinh tế suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng: Năm 2011, thành phố Hà Nội đã cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), nâng 7 bậc và lãnh đạo thành phố đã tin tưởng chỉ số này tiếp tục cải thiện trong năm 2012 bởi Hà Nội đã thông qua kế hoạch hành động nâng cao chỉ số cạnh tranh giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2012 của Hà Nội giảm 15 bậc, từ 36 xuống 51. Theo ông Thảo, điều này cũng phản ánh lòng tin của doanh nghiệp với chính quyền.
Một doanh nghiệp cơ khí của Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Ảnh: Yên Định |
Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội: “Chỉ số PCI thấp là báo động để chấn chỉnh kỷ cương hành chính” Năm 2012 Hà Nội đề ra mục tiêu tăng 10 bậc chỉ số PCI, nhưng thực tế lại tụt so với năm trước 15 bậc. Dù khảo sát này chỉ tiến hành trên một số doanh nghiệp nhất định nhưng so với khảo sát điều tra dư luận của Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện có những chỉ số tương đồng. Trong các chỉ số, có chỉ số “Chi phí không chính thức” hay gọi nôm na là “phí bôi trơn”. Các doanh nghiệp phản ánh đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì “trơn” còn Hà Nội “bôi” cũng không “trơn”. Chỉ số PCI đạt thấp là sự báo động để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tập trung nhiều hơn vào giám sát, phân cấp quản lý; tiếp tục sửa đổi các thủ tục nhằm tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội: “Tiền thuê đất tăng cao tạo thành sức ép cho doanh nghiệp” Đầu năm 2013, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do sức mua thị trường thế giới giảm. Ở trong nước, chi phí đầu vào (xăng, điện…) thì tăng, trong khi sức mua suy giảm. Chi phí xuất khẩu cao hơn các nước trong khu vực 20%. Bên cạnh đó, tiền thuê đất của doanh nghiệp cũng tăng, đang tạo thành sức ép cho doanh nghiệp. Năm 2012, tiền thuê đất của TCT thương mại Hà Nội tăng 125 tỷ so với 2011, tiền thuê nhà tăng 25 tỷ đồng, cộng hai khoản là 150 tỷ đồng, do đó doanh nghiệp phải gồng mình để bù đắp. Theo quy định mới dù giảm 50%, thì tiền thuê đất và nhà cũng là 75 tỷ đồng, vẫn tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ông Trần Ánh Vương, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội: “Nhiều doanh nghiệp không tin những kiến nghị của mình được ghi nhận” Nhiều doanh nghiệp hiện nay mất lòng tin, không tin những kiến nghị của mình được ghi nhận và giải quyết. Bên cạnh việc thu hút dự án quy mô lớn, công nghệ cao, Hà Nội quan tâm đến công nghiệp phụ trợ và dành nguồn lực thu hút cho dự án nhỏ và doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhất là với doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường cần hỗ trợ thông tin, tiếp cận các công ty lớn để đưa sản phẩm vào, giúp doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng tốt. Với các doanh nghiệp nhận hỗ trợ cần có tổng kết minh bạch để rút kinh nghiệm trong quá trình đó hiệu quả hỗ trợ ra sao. |
Trong các chỉ số PCI của Hà Nội năm 2012, chỉ số “Đào tạo lao động” và “Hỗ trợ doanh nghiệp” được doanh nghiệp đánh giá cao. Các chỉ số bị doanh nghiệp đánh giá thấp là “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” (xếp “đội sổ” 63/63 tỉnh, thành); “Chi phí không chính thức” tiếp tục giảm (xếp thứ thứ 53/63); “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo” giảm tiếp 6 bậc (xuống 61/63). Bên cạnh đó, chỉ số “Thiết chế pháp lý” là chỉ số đánh giá sự tin tưởng của doanh nghiệp với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, thành phố trong việc giải quyết khi có tranh chấp, giảm 22 bậc (xuống 56/63). Đây là những chỉ số mà doanh nghiệp đánh giá thấp về Hà Nội và điều này đã đẩy Hà Nội xuống hạng về chỉ số PCI.
Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiều vấn đề về giá đất, giải phóng mặt bằng, điều kiện thời hạn thuê đất… luôn trong tình trạng vướng mắc, chưa được giải quyết, do hệ thống pháp lý còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản và không phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Hà Nội có gần 90.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1/4 số doanh nghiệp cả nước, nên dịch vụ công gặp nhiều khó khăn. Một số dịch vụ đang có hiện tượng cải tạo như thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm…
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc giảm chỉ số PCI của Hà Nội cho thấy 2 mặt của vấn đề: Doanh nghiệp bao giờ cũng đặt lợi nhuận trên hết, còn Nhà nước thì phải quản lý chặt chẽ đất đai. Luôn phải tăng cường quản lý nhà nước, nhưng kết quả không làm hài lòng các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, để cải thiện chỉ số PCI, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần có các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính như rà soát đội ngũ công chức, đào tạo lại để đáp ứng nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục rà soát các thủ tục để giảm phiền hà, giải quyết nhanh hơn công việc. Đặc biệt cần tránh tình trạng, các sở, ngành đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền cho quận, huyện.
Tháo gỡ khó khăn
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KHĐT cho biết: Hà Nội đã ban hành chương trình hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như việc hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Thành phố cũng thực hiện các chính sách tài khóa như gia hạn tiền thuê đất, giảm lệ phí trước bạ; theo đó tổng số tiền thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp năm 2013 hơn 14,4 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố thực hiện kích cầu qua đầu tư công, thông qua thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2013 từ vốn ngân sách cho 671 dự án, với tổng kinh phí hơn 23,8 nghìn tỷ đồng; triển khai gói hỗ trợ từ ngân sách cho 508 tỷ đồng hỗ trợ vật tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Ông Nguyễn Thế Thảo nhận định: Việc đầu tư hạ tầng nông thôn vừa góp phần giải quyết vật tư xây dựng như xi măng, sắt, thép; vừa có hạ tầng để người dân thuận tiện đi lại. Trong năm qua, người dân đã góp công và mặt bằng, với tổng giá trị là 800 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng bộ mặt nông thôn mới khang trang hơn.
Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, năm 2013 dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp như việc hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường với kinh phí 50 tỷ đồng. “Sở Công Thương cần triển khai ngay dựa trên nhu cầu doanh nghiệp, nếu không sẽ có độ trễ về chính sách và có những doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội thị trường”, ông Thảo nhấn mạnh.
UBND thành phố Hà Nội cũng thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp với đại diện các hiệp hội, định kỳ 3 tháng họp một lần. Dự kiến sẽ họp với từng nhóm chuyên ngành để có những giải pháp cụ thể. “Hà Nội đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển”, đại diện lãnh đạo Hà Nội khẳng định.
Xuân Cường