Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2011, thành phố ước giải ngân vốn ODA khoảng 488,729 tỷ đồng (đạt 181% kế hoạch), tập trung vào giải ngân cho các gói thầu xây lắp đã khởi công và đang triển khai thi công, chủ yếu ở Dự án Thoát nước Hà Nội và tạm ứng hợp đồng tư vấn cho dự án đường sắt đô thị tuyến 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch, trong năm 2011, thành phố triển khai 20 dự án, trong đó có một số dự án lớn như Dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội-dự án 2; Dự án Tuyến đường sắt đô thị tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn-Ga Hà Nội; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn 1; Dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì; Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội...
Công trình cầu vượt Ngã Tư sở được xây dựng từ nguồn vốn ODA-Ảnh internet |
Riêng các gói thầu sử dụng vốn ODA của Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn 1, Dự án Phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì về cơ bản đã hoàn thành.
Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội để đến quý IV/2011 phải khởi công được nhà ga tại Nhổn.
Các nhà ga khác trên hành trình sẽ được khởi công trong quý II/ 2012; phấn đấu đến năm 2016, thông xe toàn tuyến Nhổn – Ga Hà Nội. Đến năm 2017 hoàn thành tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và sau đó thực hiện những tuyến còn lại.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Thành phố Hà Nội xây dựng 5 tuyến đường sắt ngầm và nổi từ ngoại thành vào nội đô. Đây là một dự án giao thông công cộng quan trọng và có ý nghĩa tác động lớn đến phát triển KTXH và đô thị của Thủ đô.
Việc đảm bảo triển khai Dự án đúng tiến độ sẽ thực hiện đúng cam kết với các nhà tài trợ vốn cho Dự án.
Thanh Bình