Hai Bộ vào cuộc đảm bảo an toàn dịch bệnh tại chợ truyền thống

Sáng 29/7, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, tập huấn Hướng dẫn Phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ, kết nối tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh
Hội nghị trực tuyến phổ biến, tập huấn Hướng dẫn Phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ truyền thống.

Hướng dẫn cụ thể từng nhóm đối tượng

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), “Hướng dẫn Phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ” đã được Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành (theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7 của Bộ Y tế, sau đây gọi tắt là Công văn 5858). Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng (Công văn số 4353/BCT-TTTN ngày 22/7).

“Hướng dẫn Phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ áp dụng đối với các địa phương hiện đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng cho các chợ (bao gồm cả chợ đầu mối và chợ bán lẻ). Hướng dẫn bao gồm các nội dung yêu cầu nhằm bảo đảm công tác phòng, dịch tại chợ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan gồm: Đơn vị quản lý chợ; hộ kinh doanh, người kinh doanh, người lao động, khách hàng mua bán tại chợ và Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp quản lý chợ. Hướng dẫn đã được xây dựng rất cụ thể, chi tiết”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, các đơn vị Quản lý chợ cần có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch; công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, có phương án tổ chức mua hàng theo một chiều, cung cấp đầy đủ khẩu trang; yêu cầu khai báo y tế hàng ngày (mã QR điểm kiểm dịch/Bluezone/giấy); thực hiện 5k... đối với người mua và bán. Đặc biệt, cần đo thân nhiệt tại cửa chợ; bố trí biển báo quy định phòng chống dịch; nước sát khuẩn tay; khu vực xếp hàng có kẻ vạch giãn cách; thu, kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ, kiểm soát mật độ người vào chợ.

Ban Quản lý chợ cần bố trí khu vực giao nhận hàng hoá; khử khuẩn phương tiện giao nhận nếu cần thiết; hạn chế tiếp xúc giữa người giao và người nhận hàng. Không bố trí làm việc và yêu cầu không đi làm đối với người có một trong các triệu chứng: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu mọi người tự theo dõi sức khoẻ tại nhà và báo cho đơn vị quản lý, y tế khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ; giảm số lượng người tại chợ…

Đối với hộ kinh doanh, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, qui định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Quản lý thông tin người lao động, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1. Đồng thời nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách…

Đối với khách hàng và người lao động, yêu cầu không đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly. Khách hàng đi chợ theo đúng ngày được qui định và nộp thẻ vào chợ tại cổng, thực hiện khai báo y tế, thông điệp 5k...

Còn UBND các cấp sắp xếp, bố trí quầy hàng phù hợp, giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc gần; phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn; bố trí cán bộ hướng dẫn người dân đảm bảo biện pháp phòng chống dịch; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh định kỳ hàng tuần cho người lao động…

Linh hoạt áp dụng hướng dẫn tuỳ tình hình thực tế tại địa phương

Ông Hoàng Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tư vấn ứng dụng Công nghệ thông tin (Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin Y tế, Cục Công nghệ thông tin,  Bộ Y tế) giới thiệu về Bản đồ chống dịch – An toàn COVID-19. Theo đó, mục tiêu của Bản đồ là xây dựng các địa điểm bảo đảm an toàn chống dịch bao gồm các trường học và bệnh viện, doanh nghiệp, cơ sở lao động, khách sạn ... 

Bản đồ được công bố công khai với các cập nhật thời gian thực từ mỗi đơn vị; Cung cấp công cụ bảng kiểm và giao việc tại địa điểm theo các mẫu bảng kiểm được Bộ y tế quy định và các bảng kiểm mở rộng theo đặc thù của cơ sở, tạo thói quen và hành động cụ thể hàng ngày về bảo đảm chống dịch. Đồng thời, Bản đồ cung cấp công cụ giám sát tình hình bảo đảm an toàn chống dịch tới Ban chỉ đạo để kiểm soát và chỉ đạo việc thực hiện bảo đảm an toàn chống dịch trên phạm vi toàn quốc tại từng cơ sở; Có khả năng mở rộng cung cấp hệ thống trao đổi 2 chiều từ Ban chỉ đạo đến từng cơ sở.

Từ các điểm cầu trực tuyến, đại diện các Phòng Quản lý thương mại của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, Kon Tum, Bình Phước, Kiên Giang, Đồng Nai, Khánh Hoà, Nghệ An… thảo luận về việc địa phương nào thực hiện theo các hướng dẫn tại Hội nghị hay chỉ những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16; đối với các trung tâm thương mại, siêu thị thì thực hiện thế nào; về kinh phí test nhanh của các hộ tiểu thương, kinh phí hoạt động của Ban quản lý chợ…

Ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) nhấn mạnh, hướng dẫn theo Công văn 5858 chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16. Đối với thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp 1 thẻ có thể đi nhiều chợ. Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 thì áp dụng kinh phí nhà nước là phù hợp. Về vấn đề bố trí khu vực cách ly tạm thời, có thể bố trí khu vực bảo đảm giãn cách có khoảng cách tối thiểu trên 2m với các khu vực khác nhằm giảm tiếp xúc.

Đại diện Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý, các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành, cần lưu ý giải quyết vấn đề không cứng nhắc, cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương để công tác phòng chống dịch tại địa bàn nói chung, phòng chống dịch tại chợ nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp hiện nay.

Thu Trang/Báo Tin tức
Hà Nội: Rà soát trách nhiệm công ty quản lý chợ đầu mối phía Nam
Hà Nội: Rà soát trách nhiệm công ty quản lý chợ đầu mối phía Nam

Hà Nội đang rà soát trách nhiệm của Tổng Công ty Hapro, đơn vị quản lý chợ trong việc chấp hành thực hiện quy định phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN