Xả nước thải trực tiếp ra môi trường
Cảng cá Cửa Tùng và Cảng cá Cửa Việt là hai cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định cho tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng. Tuy nhiên, cả hai cảng cá này chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải của Cảng cá Cửa Tùng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Hệ thống xử nước nước thải này gồm bể chứa 70m³ chia làm nhiều ngăn, với công nghệ cũ, lạc hậu. Do không được nâng cấp, sửa chữa, đến nay hệ thống xử lý nước thải của cảng cá này đã tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó, trong khu vực Cảng cá Cửa Tùng quản lý, hầu hết các nhà máy chế biến, các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đều không có hệ thống tự xử lý nước thải riêng. Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tương tự, hệ thống xử lý nước thải của Cảng cá Cửa Việt được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001 với bể chứa 5 m3, chia làm nhiều ngăn. Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cảng thông qua rãnh thoát nước thải về tập kết tại khu xử lý nước thải có dung tích 50 m3 trên. Nhưng với công nghệ lạc hậu, sử dụng từ 2001 đến nay chưa được nâng cấp, nên hệ thống này hiện không thể xử lý được nước thải tại cảng cá, dẫn đến không đảm bảo chất lượng nước khi xả thải ra môi trường.
Nguy cơ dừng hoạt động
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt có tổng mức đầu tư 130 tỉ đồng; Dự án nâng cấp, sửa chữa Cảng cá Cửa Tùng có tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải ở hai cảng cá này lại không nằm trong danh mục các hạng mục được đầu tư nâng cấp.
Cuối năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị tổ chức kiểm tra thực địa, thẩm định hệ thống xử lý nước thải của Cảng cá Cửa Tùng và Cảng cá Cửa Việt và kết luận: Hai cảng cá này chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, hai cảng cá chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải theo các Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị khẩn trương đề xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tổ chức vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải và lập hồ sơ về môi trường để được cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tiếp đó, ngày 27/1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tại Cảng cá Cửa Tùng và Cảng cá Cửa Việt có công suất 450 - 500 m3/ngày đêm, nhằm đảm bảo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ông Hồ Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tuấn Ngọc Cửa Tùng cho biết: “Các đối tác nước ngoài của công ty rất coi trọng các quy định về bảo vệ môi trường. Tới đây, nếu cảng cá Cửa Tùng không có hệ thống xử lý nước thải, cảng sẽ không được cấp giấy phép môi trường, công ty chúng tôi cũng có nguy cơ bị tạm dừng hoạt động, lúc đó đối tác sẽ hủy đơn hàng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm công nhân, công ty sẽ thiệt hại rất lớn”. Tại Cảng cá Cửa Tùng tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tạo ra công việc ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, có nguồn xả thải lớn, đang lo lắng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho rằng, tháng 6/2023 là thời hạn cuối để bàn giao và đưa vào sử dụng Dự án nâng cấp, sửa chữa Cảng cá Cửa Tùng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư xây dựng, cảng sẽ không được cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đồng nghĩa với việc cảng cá đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại cảng cá.
Lý giải về việc chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho rằng với nguồn vốn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển chưa đủ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chí công bố mở cảng cá loại I và loại II theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cá. Vì vậy, trước mắt, tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục thiết yếu; các hạng mục còn lại theo quy hoạch được duyệt cần tìm kiếm nguồn vốn khác để thực hiện. Mặt khác, tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp 2 cảng cá nói trên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa ban hành nên địa phương chưa ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà ưu tiên sửa chữa và nâng cấp các hạng mục thiết yếu. Khi có nguồn kinh phí, sẽ ưu tiên thực hiện hạng mục xử lý nước thải, đảm bảo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.