Ngành gỗ xuất siêu gần 7 tỷ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị XK lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị XK các ngành hàng nông nghiệp.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.
Thị trường XK lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản.
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Kết quả XK mà ngành lâm nghiệp đạt được năm 2018 đã vượt mục tiêu phấn đấu đặt ra từ đầu năm là 9 tỷ USD.
Trước những bước tăng trưởng này, năm 2019, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,5 - 6,0%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, năm 2018 , kim ngạch XK tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2019, toàn ngành đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, nghĩa là đặt mức tăng trưởng khoảng 1,2 tỷ USD so với năm 2018. Về mặt thị trường, trong giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam có thể tranh thủ được những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn.
“Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch XK đồ gỗ lớn. Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, một số mặt hàng của Trung Quốc đang chịu áp thuế cao ở một số thị trường. Như vậy, các đối tác có thể sẽ hướng về thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao, cộng với quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này ngày càng phát triển. Bởi vậy, mục tiêu tăng XK lên 1,2 tỷ USD là hoàn toàn khả thi”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Việt Nam và Liên Minh châu Âu đã kết thúc đàm phán sau 6 năm, chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) với EU vào ngày 19/10/2018. Đây được coi là bước ngoặt lớn, cùng với việc triển khai đồng bộ Luật Lâm nghiệp sẽ góp phần hình thành được ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Thủy sản "không kém cạnh"
Năm 2019 ngành Thủy cũng đặt mục tiêu XK 10 tỷ USD, đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu và tập trung vào chế biến gia tăng giá trị các sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra...
Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thiên tai, biến động của thị trường thế giới và những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, nhưng kim ngạch XK thủy sản năm 2018 vẫn ước đạt 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp.
Hướng đến mục tiêu XK 10 tỷ USD trong năm 2019, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, để gia tăng kim ngạch XK phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề chất lượng, gắn liền với xây dựng thương hiệu. Những năm qua mặt hàng thủy sản chủ lực như: Tôm, cá ngừ, cá tra... đã và đang từng bước được các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng với nhà nhập khẩu để gia tăng thêm hàm lượng giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu.
"Ngành thủy sản cần tiếp tục tập trung tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam. Phấn đấu các chỉ tiêu tăng về giá trị sản xuất thủy sản, sản lượng thủy sản, trong đó tăng cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng…", ông Nam cho biết.
Về vấn đề thẻ vàng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, vấn đề quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân và các địa phương trong thực hiện và triển khai Luật Thủy sản, đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong chỉ đạo sản xuất đối với 2 sản phẩm chủ lực quốc gia là tôm, cá tra.