Theo Forbes Việt Nam, đây là các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có kết quả kinh doanh và tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 và giai đoạn 2016-2020. Phần lớn các công ty trong danh sách là các công ty đầu ngành hoặc đã xác lập được lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động.
Forbes Việt Nam cho biết, năm 2021 tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 193.183 tỉ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm ngoái. Tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu của PVFCCo đạt 12.786 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.117 tỷ đồng; doanh thu của PVCFC đạt 9.869 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ đồng; đứng trong Top 20 các công ty có doanh thu và lợi nhuận ấn tượng nhất.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế, lĩnh vực phân bón cũng bị ảnh hưởng rõ rệt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất kinh doanh tăng; ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ phân bón. Bên cạnh đó, những bất cập về thuế VAT đầu vào không được khấu trừ theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 tiếp tục khiến giá thành sản xuất phân bón trong nước khó cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập ngoại.
Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là các giải pháp về thị trường, phân phối và tiết giảm chi phí, cả hai doanh nghiệp phân bón của PVN đã có kết quả kinh doanh ấn tượng với biên lợi nhuận gộp tăng mạnh.
Hiện PVFCCo chiếm 10% thị phần phân bón trong nước và 37% thị phần phân đạm urê nội địa. Các chỉ số về khả năng sinh lời của Tổng công ty này như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đều tăng mạnh so với năm 2020, lần lượt tăng 291% và 308%. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm về về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2021 của PVCFC lần lượt ở mức 11,42% và 23,28%.
Với PVCFC, đây là doanh nghiệp duy nhất sản xuất phân đạm urê hạt đục tại Việt Nam, hiện đang vận hành hai nhà máy gồm Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn ure/năm và nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm. Hiện hơn 70% doanh số của PVCFC đến từ thị trường Đồng bằng sông Cửu Long nhờ lợi thế chiếm hơn 60% thị phần cung ứng phân đạm urê tại khu vực được sử dụng nhiều phân bón nhất nước. Năm 2021, công ty xuất sang Campuchia khoảng 150 nghìn tấn urê trong tổng lượng xuất khẩu 200-250 ngàn tấn urê, thị trường xuất khẩu quan trọng này đã góp phần cải thiện doanh số bán hàng, gia tăng lợi nhuận cho công ty.
Theo Forbes Việt Nam, để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2021, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng, công ty con hoạt động phụ thuộc vào công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp sẽ không được xem xét.
Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: Tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, chỉ báo tốc độ thay đổi (ROC) và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế EPS giai đoạn 2017-2021.
Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành…
Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán SSI. Vốn hóa được chốt vào ngày 30/5/2022. Số liệu sử dụng tính toán là báo cáo tài chính đã kiểm toán.